MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất nới kịch trần làm thêm giờ mỗi tháng: Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện

ANH THƯ LDO | 13/01/2022 16:13
Liên quan đến đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, chuyên gia cho rằng cần đảm bảo thời gian làm thêm giờ đúng quy định, trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa kiến nghị Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng và số giờ làm thêm trong 1 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, hướng đề xuất là nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ.

Đồng thời, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ trong 1 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại Bộ luật Lao động.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, các quy định giới hạn giờ làm thêm theo ngày và việc nghỉ ngơi (trong giờ làm việc, chuyển ca...), tiền lương vẫn tuân thủ theo Bộ luật Lao động.

Quy định này dự kiến áp dụng cho tất cả người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng trong Bộ luật Lao động. Trong đó, đối tượng là người sử dụng lao động bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia định, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Về thời gian áp dụng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện cho đến hết ngày 31.12.2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ này cho rằng, đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.

Để bảo đảm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất đã làm gia tăng rất nhiều chi phí của doanh nghiệp như: Chi phí xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bảo đảm giãn cách, bố trí ăn, ở của người lao động tại nơi làm việc, phương tiện vận chuyển do phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”…

Đặc biệt ở nhiều doanh nghiệp, do việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lực lượng lao động đã giảm xuống dưới 50%, nhất là doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, chế biến thuỷ, hải sản… lực lượng lao động có khi giảm xuống dưới 30%, trong khi vẫn phải bảo đảm tiến độ sản xuất cho các hợp đồng đã ký kết.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc khống chế giờ làm thêm theo tuần, tháng khiến doanh nghiệp khá bị động.

Thời gian trước ảnh hưởng của dịch khiến việc sản xuất kinh doanh bị trì hoãn, cho nên việc nới giờ làm thêm theo tháng, nhưng 1 năm không quá 300 giờ sẽ đáp ứng được yêu cầu của đặc điểm sản xuất hiện nay.

“Đề xuất nới quy định thời gian làm thêm theo tháng là đúng vì với sản xuất phải là chu kỳ theo tháng, năm. Chủ sử dụng lao động cũng cực chẳng đã phải tăng ca vì kéo theo nhiều chi phí” – bà Hương nói.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì cần những giải pháp “cấp cứu”, có việc là cho người lao động là trên hết.

Song, chuyên gia này cho rằng thời gian làm thêm giờ đảm bảo đúng quy định, trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và doanh nghiệp. Việc nới thời gian làm thêm nhưng vẫn phải đảm bảo sức khoẻ của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn