MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân một công ty thiết bị điện tại Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Đề xuất “nới trần” làm thêm trong tháng lên 72 giờ: Chỉ là giải pháp tạm thời!

Anh Thư - Bảo Hân LDO | 18/03/2022 11:27
Theo chuyên gia, việc nâng giờ làm thêm trong tháng không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ chỉ là giải pháp tạm thời, áp dụng trong thời gian ngắn. Bởi xét về lâu dài, xu thế chung phải “kéo” số giờ làm việc giảm đi.

Cần chỉ rõ nhóm ngành nghề nào được nới trần làm thêm

Chiều 10.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Điều 107 Bộ luật Lao động quy định làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng; một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản...) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ mỗi năm.

Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, mong muốn được thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Xét thấy chính sách về làm thêm giờ cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nên Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong một năm của người lao động là không quá 300 giờ, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc. Một số Hiệp hội có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, họ sẽ quy định giờ làm thêm theo năm chứ không theo tháng, tuần. Điều quan trọng là cần chú ý đến các biện pháp về an toàn vệ sinh lao động, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho người lao động…

Theo bà Hương, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh nghiệp rất “khát” lao động, việc kéo dài giờ làm thêm cũng là một giải pháp. Bên cạnh đó, nhu cầu đi làm lại của người lao động rất cao vì họ đã bị bào mòn sau 2 năm tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc nâng giờ làm thêm không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là chỉ giải pháp tạm thời, cần áp dụng trong thời gian ngắn. Bởi xét về lâu dài, xu thế chung phải “kéo” số giờ làm việc giảm đi. 

“Nếu quy định giờ làm thêm tối đa, chúng ta cần chỉ rõ nhóm ngành nghề nào được làm thêm không quá 72 giờ chứ không thể cào bằng bất kỳ ngành nghề nào. Vừa qua, ngành nào thiệt hại lớn về lao động do đóng cửa, thực hiện các giải pháp về y tế thì được khuyến khích tăng thời gian làm thêm” - bà Hương nói.

Tranh thủ thời gian đang xem xét về giờ làm thêm, bà Hương cho rằng doanh nghiệp phải cam kết về biện pháp tổ chức sản xuất; người lao động tham gia vào quy trình sản xuất phải có sự sẵn sàng, được thông báo trước về việc làm thêm.

Lương thấp, công nhân mong làm thêm  

Chị H (công nhân trong lĩnh vực may mặc) cho biết, rất mong muốn được đi làm thêm vì điều này đồng nghĩa với tăng thu nhập dù biết làm thêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân và ảnh hưởng đến việc chăm sóc các con.

Thu nhập của chị H, nếu không đi làm thêm khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, có làm thêm từ 8-9 buổi/tháng (mỗi buổi đến 21 giờ đêm) thì được 6,7-6,8 triệu đồng/tháng. Theo chị H dù có làm thêm thì thu nhập của công nhân vẫn thấp, chưa khi nào chị đạt được 7 triệu đồng/tháng. Theo chị H, vừa qua, có một số nữ công nhân có con nhỏ mong muốn chỉ làm đến 18 giờ 30 vì muốn về sớm để chăm sóc, bảo ban con học hành.

Chị Vi Thỉ Tá (công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng muốn được làm thêm để tăng thu nhập. “Công ty nơi tôi làm việc tuân thủ quy định làm thêm không quá 40 giờ/tháng. Tôi đang có con nhỏ nên đi làm thêm được ngày nào thì làm; còn các công nhân khác thì đi làm thêm nhiều hơn; nhưng đủ mức 40 giờ/tháng thì thôi” - chị Tá nói.  

Theo chị Tá, thời gian này, công ty không có nhiều việc làm nên ít tăng ca. “Lương cơ bản của tôi chỉ được 5 triệu đồng/tháng, tăng ca được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi đang thuê nhà, lại mới sinh con nên rất cần có thêm thu nhập để đảm bảo cuộc sống” - chị Tá nói…

“Lương vẫn phải tăng nhưng giờ làm việc phải giảm dần” 

Một chủ tịch công đoàn cơ sở công ty may tại Bắc Giang cho hay, khách hàng của công ty từ Châu Âu, Mỹ, họ có yêu cầu cụ thể về thời gian làm việc. Hiện số giờ làm thêm của công ty nằm trong khoảng cho phép, không quá 40 giờ/tháng. 

“Quan điểm của lãnh đạo công ty là lương vẫn phải tăng nhưng giờ làm việc phải giảm dần. Nếu xí nghiệp, xưởng nào có nhu cầu làm thêm giờ do hàng hoá gấp quá, muốn đăng ký 30 phút hay 1 tiếng phải xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo, sau đó mới bố trí cắt điện muộn hơn. Lãnh đạo công ty luôn cho công nhân về sớm (vào lúc 17 giờ) vào các ngày thứ 7, ngày lễ ngày rằm” - chủ tịch công đoàn cơ sở này chia sẻ.  

Theo chủ tịch công đoàn cơ sở này, công ty trả lương không theo thời gian mà theo sản phẩm. Bình quân thu nhập của công nhân là 10,5 triệu đồng/người/tháng. “Để có thu nhập như vậy, phải đảm bảo nhiều yếu tố: Tay nghề của công nhân; phương pháp lãnh đạo; trang thiết bị, áp dụng công nghệ kỹ thuật” - vị cán bộ công đoàn này cho hay.Bảo Hân


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn