MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sửa đổi phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Ảnh minh họa: Lương Hạnh.

Đề xuất phương án sửa đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

LƯƠNG HẠNH LDO | 30/06/2023 20:15

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Hiện nay, Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (bao gồm cả lương và các phụ cấp).

Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) người lao động của đơn vị sử dụng lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như: Hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà… pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH.

Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp “lách luật” chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.

Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Theo đó, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để hài hòa 3 loại thu nhập của người lao động và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập của người lao động làm căn cứ đóng BHXH. Tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của NLĐ để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động, tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, nội dung này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Trước thực trạng trên, để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho bản thân, khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng. Người lao động cũng cần có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng.

Đồng thời, người lao động cần thường xuyên theo dõi, tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH của mình qua các kênh (như Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID- BHXH số…) để kịp thời nắm bắt thông tin đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động; phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng các hành vi đóng BHXH không đầy đủ của chủ sử dụng lao động cho người lao động (nếu có).

Hiện cả nước đang có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng. Để tiếp tục nâng cao đời sống cho người nghỉ hưu, ngày 29.6.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng từ 12,5% đến 20,8% cho người hưởng. Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm, cụ thể: Người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14.8.2023; các quy định của Nghị định được thực hiện từ 1.7.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn