MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày ngày, bà Hồng phải đi thu mua ve chai để có thêm thu nhập. Ảnh: Mạnh Cường

Đề xuất tăng 750.000 đồng trợ cấp xã hội, người lớn tuổi mong có thêm ưu đãi khác

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 22/05/2024 06:00

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn quy định. Để thực hiện đồng bộ với chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới, bộ đang đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.

Hy vọng được giảm giá điện

Theo nhiều người lớn tuổi, dù có tăng lên 750.000 đồng trợ cấp xã hội hằng tháng cũng khó đủ sống. Họ mong có thêm những ưu đãi khác để giảm thiểu các chi phí thiết yếu hằng ngày.

Ông Nguyễn Văn Khiêm (89 tuổi, Nam Định), không có lương hưu hằng tháng cho biết, nếu được nhận 750.000 đồng, đủ để ông ăn sáng và thuốc thang. Hằng ngày, ông Khiêm trích ra 5.000 - 7.000 đồng để mua bữa sáng. Còn bao nhiêu ông dùng để mua chè khô tiếp bạn bè, khách khứa hằng ngày. Số tiền này theo ông Khiêm chỉ ở quê mới đủ còn ở thành phố ít nhất phải 10.000 đồng/bữa sáng. Bữa trưa và bữa tối, ông Khiêm chọn cách ăn cùng gia đình người con út để tiết kiệm chi phí.

Theo dõi các đề xuất tăng trợ cấp xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Khiêm không kỳ vọng được tăng lên cao hơn nữa vì đây là mức cao nhất trong đề xuất. Bản thân ông chỉ mong đề xuất sớm thành hiện thực, đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ tiền điện dành cho người lớn tuổi.

“Người lớn tuổi như chúng tôi không có thu nhập nào khác nên hy vọng được giảm giá điện còn một nửa hoặc miễn tiền điện nếu dùng dưới 100.000 đồng. Mùa hè nóng lắm, không dùng quạt không ngủ được mà đã dùng thì phải trên 100.000 đồng” - ông Khiêm bày tỏ nguyện vọng.

Quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi

Bà Hoàng Thị Hồng (74 tuổi, Nam Định) cho biết, mỗi tháng hai vợ chồng bà chi tiêu hết ít nhất 1,5 triệu đồng tiền ăn uống và quần áo. Các khoản khác như tiền điện, tiền gas, cỗ bàn cũng 1 triệu đồng/tháng.

Để tiết kiệm chi phí, cả hai vợ chồng bà đều từ chối việc sử dụng xe đạp điện mỗi khi con cái ngỏ ý mua tặng. “Nếu dùng xe đạp điện, tiền điện chắc chắn sẽ tăng. Vì vậy tôi lựa chọn xe đạp bình thường làm phương tiện di chuyển hằng ngày” - bà Hồng nói.

Dù tuổi đã cao nhưng ông bà không dám làm phiền con cái nhiều. Mỗi ngày, bà Hồng đều rong đuổi khắp làng trên xóm dưới thu mua ve chai, còn chồng bà do sức khỏe yếu nên cố gắng chăm đàn gà lấy trứng và đàn chó con bán lấy tiền. Thu nhập từ các công việc này mang về cho hai vợ chồng bà từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Theo bà Hồng, nếu trợ cấp hưu trí xã hội tăng lên 750.000 đồng, thời gian tới hai vợ chồng bà sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng/tháng. Mặc dù không thể đảm bảo cuộc sống no đủ, thoải mái nhưng cũng đỡ được phần nào.

Tuy nhiên, khi nghĩ vài năm nữa sức khỏe yếu không thể đi làm được, bà Hồng lại cảm thấy lo lắng. “Với 1,5 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng tôi phải ăn tiêu dè sẻn mới đủ. Chắc phải hạn chế các món thịt, ưu tiên những món đơn giản như trứng, cá hoặc đậu phụ, rau tự trồng” - bà Hồng tâm sự.

Bà Hồng mong muốn Nhà nước nên quan tâm hơn nữa đến đối tượng người lớn tuổi. Bản thân bà Hồng và chồng thường xuyên đau ốm nên hy vọng BHYT sẽ mở rộng thêm các loại thuốc hỗ trợ người bệnh. Bởi tháng nào bà Hồng cũng phải lên thành phố thăm khám, mua thuốc ngoài bảo hiểm từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong tháng 4 cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho khoảng 3,38 triệu người (chiếm khoảng 3,38% dân số). Trong đó, có gần 1,4 triệu người cao tuổi, 1,7 triệu người khuyết tật, 16.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; có 150.000 trẻ em hưởng chế độ (đối với dưới 3 tuổi), 80.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và khoảng 80.000 đối tượng khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn