MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất tăng giá điện, công nhân thêm áp lực

LƯƠNG HẠNH - ANH THƯ LDO | 05/10/2022 19:48
Tiền điện đã "ngốn" một khoản kha khá trong thu nhập, giờ còn sắp tăng giá khiến các gia đình công nhân đều tăng áp lực kinh tế.

This browser does not support the video element.

May mắn hơn nhiều gia đình công nhân khác, gia đình bà Phạm Thị Miên (SN 1962, ở Yên Khánh, Ninh Bình) đã được kí trực tiếp hợp đồng với bên điện lực khi thuê cả căn nhà tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Vì vậy, gia đình bà Miên sẽ trả tiền điện theo giá bậc thang thay vì chịu 3.000 đồng/số điện.  

Con trai, con dâu làm công nhân nhiều năm trong khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), bà Miên khăn gói lên thủ đô để trông cháu. Có 4 người, nên gia đình bà phải sắm sửa đầy đủ máy giặt, tủ lạnh, ti vi, điều hoà…

Dù được hưởng mức giá điện thấp hơn các gia đình khác, mỗi tháng bà Miên vẫn phải chi trả tiền điện từ 700.000 - 800.000 đồng.

Ngoài gia đình bà Miên, một số gia đình công nhân khác phải chi trả từ 2.500 - 3.000 đồng/số điện. Trong đó có gia đình anh Nguyễn Huy Du (SN 1982, quê Phú Thọ).

Anh Du thuê nhà gần khu công nghiệp Thăng Long được hơn 7 năm. Anh Du là lao động tự do, vợ anh là công nhân trong khu công nghiệp. Dịch COVID-19 khiến hai vợ chồng anh phải nghỉ việc, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, thời gian này cũng là lúc gia đình anh Du phải chi nhiều tiền điện, nước sinh hoạt.

“Đợt nghỉ việc ở nhà, giãn cách xã hội vào khoảng tháng 8.2021, gia đình tôi hết gần 400 số điện. Giá điện là 3.500 đồng/số, tính ra hết khoảng gần 1,2 triệu đồng tiền điện tháng đó. Tiền không làm ra chỉ có tiêu, nghĩ lại vẫn thấy xót ruột” - anh Du nhớ lại.

Xác định sinh sống ở đây lâu dài, nên đồ đạc gia dụng trong phòng trọ của anh Du cũng nhiều dần lên. Ti vi, tủ lạnh, máy giặt, quạt… "ngốn" điện mỗi ngày khiến vợ chồng anh phải chi trả một khoản tiền không nhỏ. Anh Du nhiều lần muốn đổi chiếc tủ lạnh mới bởi chiếc tủ lạnh cũ phát ra những tiếng kêu rè rè phiền phức, chiếm nhiều tiền điện nhất trong phòng trọ của anh.

Đầu năm học 2022, anh Du phải lo các khoản phí cho con. Tăng thêm khoản chi, gia đình anh tăng thêm áp lực kinh tế. Ảnh: Lương Hạnh.

Với công việc của một phụ hồ, anh Du không có thu nhập ổn định, còn vợ anh với lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Những tháng vợ không được tăng ca, thu nhập giảm sút, đã có lúc vợ chồng anh phải đi vay hàng xóm tiền để trang trải cuộc sống. Con trai lên lớp 5, để có tiền đóng khoản phí đầu năm học mới, hai vợ chồng anh phải chi tiêu dè sẻn các khoản khác.

“Nếu tăng giá điện thì thêm áp lực chi phí sinh hoạt rất lớn cho người lao động, nhất là lao động đi thuê trọ như chúng tôi”, anh Du tâm sự. 

Với mức lương eo hẹp phải gánh nhiều khoản chi tiêu trong một tháng, ước nguyện của anh Du cũng nhiều công nhân khác chỉ giản đơn là giá điện bình ổn, bớt nỗi lo trong cuộc sống.

Trong đề xuất đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương dự kiến rút xuống còn 5 bậc (rút gọn bậc 1 và 2). Theo đó, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng một kWh, cao nhất 3.356 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng một kWh đang áp dụng.

Theo Bộ Công Thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới các khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn