MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp may mặc của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Tất Thảo

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%, chỉ đủ giảm bớt khó khăn cho NLĐ

Tất Thảo - Minh Hương LDO | 25/06/2024 06:30

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6%, áp dụng từ ngày 1.7.2024. Trước thông tin này, người lao động rất trông chờ song mức tăng này vẫn khó đảm bảo cuộc sống của họ.

Tăng lương cơ bản khi lương tối thiểu vùng điều chỉnh

Trước thông tin này, chị N.T.K (công nhân Khu công nghiệp Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bày tỏ vui mừng, trông đợi. Nữ công nhân đã có 18 năm làm công nhân này hiện được trả mức lương cơ bản 5,1 triệu đồng; các khoản phụ cấp hơn 1 triệu đồng. Nếu thời gian làm thêm nhiều, tổng thu nhập của chị được khoảng 9 triệu đồng/tháng; nếu không làm thêm, thu nhập của chị chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng.

Theo danh mục địa bàn vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng tại thị xã Việt Yên hiện nay là: 3.640.000 đồng/tháng.

“Như vậy, công ty đã trả mức lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng hiện áp dụng trên địa bàn. Dù vậy, sắp tới, khi tăng lương tối thiểu vùng, tôi mong công ty sẽ tăng lương cơ bản theo để đời sống công nhân đỡ khó khăn hơn” - nữ công nhân chia sẻ.

Theo chị N.T.K, mức thu nhập của những công nhân như chị phải được ít nhất từ 8-10 triệu đồng/tháng mới đảm bảo cuộc sống gia đình, ngoài ra còn có thể dành dụm một khoản hằng tháng để đề phòng lúc “trái gió trở trời”.

Anh Nguyễn Văn Toản (30 tuổi) công nhân cắt vải tại Nam Định cho biết, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% rất khó để đảm bảo cuộc sống khi giá cả các mặt hàng mỗi thứ đều tăng một ít.

“Điều mà công nhân lao động chúng tôi quan tâm và lo lắng nhất chính là giá cả có leo thang như năm ngoái hay không? Tăng 6% nhưng là tăng lương tối thiểu vùng chứ không phải lương thực tế, mỗi tháng chỉ tăng gần 300.000 đồng liệu có đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống?” - anh Toản cho hay.

Năm nay khi cả khối Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân dự kiến cùng tăng lương, anh Toản lo lắng chi phí các mặt hàng có thể tăng lên 500.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh Toản cho biết, lương tối thiểu vùng đã không tăng kể từ năm 2022, thiết nghĩ nên tăng mức cao hơn để bù đắp cho người lao động.

Công đoàn phát huy vai trò thương lượng

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quyết Thắng - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang đều đang trả mức lương cơ bản cho công nhân hơn 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã cao hơn so với lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn. Hiện mức thu nhập bình quân của công nhân trong ngành là 7,5 triệu đồng/tháng.

Dù đã trả mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, nhưng theo ông Thắng, mỗi khi tăng lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp đều xây dựng lại thang, bảng lương, lấy lương tối thiểu làm cơ sở. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương của các doanh nghiệp thường chậm hơn so với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, có khi 1 vài tháng.

“Khi Nghị định của Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng chính thức được ban hành, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ có văn bản chỉ đạo các công đoàn cơ sở thương lượng, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng lại thang, bảng lương theo mức mới của lương tối thiểu vùng” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, dù các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng hiện hành, nhưng “nếu lương tối thiểu tăng mà lương công nhân không tăng thì sẽ thiệt thòi cho công nhân”.

Do vậy, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, công đoàn sẽ phát huy vai trò thương lượng của mình để cùng với tăng lương tối thiểu, công nhân cũng được tăng lương cơ bản do doanh nghiệp chi trả, giúp đời sống của công nhân bớt khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn