MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở thiết chế công đoàn của công nhân lao động tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề xuất Tổng LĐLĐVN đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân

Quế Chi LDO | 21/06/2023 07:38

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã ghi nhận tại Khoản 3 Điều 77, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lí dự án Thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng ý Tổng LĐLĐVN là chủ thể xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ mang lại ý nghĩa rất to lớn cho đoàn viên, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cụ thể, người lao động sẽ được mua, thuê, thuê mua những căn hộ có giá rẻ hơn so với thị trường bên ngoài. Điều kiện, môi trường sống của người lao động trong khu công nghiệp nơi có các dự án nhà ở triển khai sẽ tốt hơn so với các khu khác. Khi xây dựng nhà ở xã hội, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao trong khu, tạo ra một nơi ở có môi trường tốt, giúp người lao động tái tạo sức lao động tốt hơn so với khu nhà ở xã hội khác, trong khi các khu nhà ở xã hội khác ít quan tâm đến các khu văn hóa thể thao hay khu cộng đồng. 

Ngoài ra, khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc sẽ gần, tạo điều kiện dễ dàng để người lao động đi lại. Nếu xây dựng, Tổng LĐLĐVN sẽ triển khai xây nhà tại các khu ở gần khu công nghiệp, với khoảng cách từ 3-5 km, xa nhất là 7-8 km. Nhờ đó, áp lực về giao thông, hạ tầng sẽ giảm đi; tiết kiệm chi phí cho xã hội cũng như của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn khi sống trong các khu nhà này. 

“Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội sẽ giúp người lao động tại địa phương yên tâm, ổn định hơn; tạo nguồn lực lao động tốt hơn so với những địa phương không có nhà ở xã hội. Việc này còn giúp tăng uy tín của tổ chức Công đoàn đối với những người lao động đang có nhu cầu về nhà ở” - ông Nghĩa nói.

Ở góc độ khác, ông Nghĩa cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.  “Nếu Tổng LĐLĐVN được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn sẽ giảm gánh nặng cho Chính phủ, địa phương trong kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, Tổng LĐLĐVN có thể tham gia xây dựng trong 5-7 khu, mỗi khu có khoảng 1.000 căn; mỗi năm như vậy thì đến năm 2030 (tức 7 năm sau) có thể đạt 490.000 căn hộ” - ông Nghĩa nói. 

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã ghi nhận tại Khoản 3 Điều 77, Tổng LĐLĐVN được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng LĐLĐVN chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn