MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị gặp gỡ đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp. Ảnh: Đình Trọng

Di dời nhà máy vào khu công nghiệp: Doanh nghiệp mong được hoán đổi cơ sở

ĐÌNH TRỌNG LDO | 24/04/2024 17:15

Bình Dương - Ngày 24.4, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị gặp gỡ đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp ở các địa phương phía Nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp ở phía Bắc Bình Dương.

Tại chương trình gặp gỡ, người lao động đã đặt các câu hỏi về các chính sách cho người lao động khi phải di dời đến nơi làm việc mới như nhà ở, chỗ học tập của con em, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, mua nhà ở xã hội để an cư...

Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến lộ trình di dời, các tiêu chí di dời. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi về cho thuê đất, các chính sách hỗ trợ khi di dời.

Người lao động và đại diện doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Đình Trọng

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc chuyển đổi công năng đất, cho thuê lại mặt bằng đang sử dụng. Các doanh nghiệp bày tỏ, hiện nay vẫn khó khăn, đơn hàng mới có thêm, doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục, khó có đủ tài chính để thực hiện việc di dời.

Chị Lê Thị Thủy - Quản Lý kinh doanh Công ty May mặc Quốc Tế VietHSing (tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An) - cho biết, thời hạn thuê đất là 50 năm, nhưng mới thuê và sử dụng 25 năm.

Trong khi đó, những năm qua, doanh nghiệp rất khó khăn do dịch bệnh rồi chiến tranh trên thế giới. Hiện doanh nghiệp không đủ sức để di dời. Nếu phải di dời, doanh nghiệp mong muốn được hoán đổi đất và có sẵn nhà xưởng để lắp ráp máy móc sản xuất ngay.

Đại diện các sở ngành và các địa phương đã thông tin về chủ trương của tỉnh Bình Dương về việc chuyển đổi công năng, di dời nhà máy. Đồng thời, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, người lao động.

Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án điều tra đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào khu, cụm công nghiệp.

Chương trình hội nghị này nhằm lắng nghe người trong cuộc, tiếng nói từ thực tiễn để làm cơ sở tổng hợp xây dựng kế hoạch, chính sách khi thực hiện chủ trương lớn này.

Đại diện các đơn vị, sở ngành thông tin về chủ trương của tỉnh. Ảnh: Đình Trọng

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho hay, sau chương trình này, tổ chức Công đoàn vẫn tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động, sau đó kiến nghị lên tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Khoảng 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ khu dân cư

Theo UBND tỉnh Bình Dương, số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương là rất lớn, chiếm khoảng 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Đa số các cơ sở này có quy mô sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này có từ trước khi xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp này nằm rải rác xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Nhiều doanh nghiệp thiếu các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng... gây khó khăn trong việc phát triển đô thị của Bình Dương.

Nhiều nhà máy nằm xen kẽ khu dân cư. Ảnh: Đình Trọng

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay, chủ trương của tỉnh Bình Dương là khuyến khích, đi tới hạn chế đầu tư ngoài khu và cụm công nghiệp. Có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị. Do đó, tỉnh đang triển khai kế hoạch di dời các cơ sở này vào trong cụm khu công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn