MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Tây Nguyên quyết định quay trở lại nhà máy với hy vọng có việc làm, đồng lương nuôi gia đình. Ảnh: Trung Tuấn

“Đi miền Nam làm lại thôi, ở nhà cũng không biết làm gì”

Nhóm PV Tây Nguyên LDO | 22/10/2021 11:16
Các địa phương trong vùng Tây Nguyên cơ bản đã áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trước tình hình trên, rất nhiều công dân vừa hồi hương trở về quê nhà đã và đang quay trở lại miền Nam làm việc...

Quay trở lại nhà máy với hy vọng

Tại chốt cầu 110, huyện Chư Pưh, Gia Lai (giáp ranh với Đắk Lắk), những ngày này có nhiều lao động đi xe máy mang theo tư trang, hành lý vào Nam. Anh Bùi Văn Nam (30 tuổi, huyện Ia Grai) cho hay: “Quản lý công ty gọi tôi vào làm sớm, kịp đơn hàng xuất khẩu. Dịch bệnh cơ bản kiểm soát, Công ty cũng thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch và hứa hỗ trợ công nhân ăn ở tại chỗ. Tôi quyết định quay trở lại nhà máy với hy vọng có việc làm, đồng lương nuôi gia đình”.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi, chị Nguyễn Thị Tình (27 tuổi, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) nói: “Tôi làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (TPHCM). Dịp cuối năm đơn hàng công ty xuất khẩu rất nhiều, nếu làm không kịp doanh nghiệp sẽ bị đối tác nước ngoài phạt vì vi phạm hợp đồng. Quản đốc gọi điện thúc giục vào lại nhà máy, tôi cũng mong làm việc đến cuối năm để có tiền lương, thưởng sau thời gian khốn khó vì thất nghiệp mùa dịch”.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, có hơn 22.000 lao động từ các tỉnh Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai về quê Gia Lai. Số lao động này có địa chỉ cụ thể, chủ yếu làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và  Xã hội (LĐTBXH) Đắk Lắk: Từ tháng 7 đến nay, có hơn 130.000 công dân tạm trú, làm việc ở các tỉnh thành khu vực phía Nam hồi hương trở về địa phương (nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên - PV). Trong đó, phần lớn người đang trong độ tuổi lao động, trở về quê và vẫn đang thất nghiệp. Hiện, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 người lao động di chuyển bằng phương tiện cá nhân trở lại những tỉnh, thành phía Nam để làm việc.

Chị H.K.Ê (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Tôi vừa về quê được 2 tuần nhưng khi nghe doanh nghiệp gọi vào làm việc cũng quyết định ngày 22.10 sẽ xuống Bình Dương. Suốt 2 tháng nay, tôi được công ty hỗ trợ 500.000 đồng/tháng nhưng không đủ sinh hoạt. Mấy tháng nghỉ dịch cũng hết tiền rồi, tôi phải xuống làm lại thôi, ở nhà cũng không biết làm gì”.

Theo ghi nhận của PV, các chốt kiểm soát dịch trọng yếu tại Quốc lộ 14 đoạn qua cầu 14 (xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hay Cai Chanh (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) lực lượng chức năng cơ bản tạo điều kiện cho người lao động lưu thông, hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà.

Sẽ tiêm đủ liều vaccine cho công nhân

Thực tế, hàng nghìn người lao động ở khắp các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang có nguyện vọng trở vào miền Nam làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều người bày tỏ sự lo lắng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc sợ di chuyển qua các tỉnh, thành gặp trở ngại về thủ tục.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đắk Lắk - cho biết: “Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh về việc hoàn tất việc tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành y tế xử lý sớm. Bởi, có một bộ phận lớn người lao động chỉ mới được tiêm mũi 1 vaccine Vero Cell cần được hoàn tất mũi cuối trước khi trở lại miền Nam làm việc”. 

Ngày 20.10, ông Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, sẽ thu hồi văn bản ủy quyền giải quyết đề xuất của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần ra vào địa phương đã ban hành trước đó (ngày 15.10). Trước đây, Chính phủ quy định việc vào ra một số tỉnh thành như TPHCM, Bình Dương... phải được sự đồng ý của địa phương. Để tạo thuận lợi cho người dân khi đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận và giải quyết đơn. Do yêu cầu lớn, gây ra tình trạng quá tải nên ngày 15.10 UBND tỉnh đã có công văn ủy quyền giải quyết vấn đề này cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT).

Ngoài ra, văn bản này đã gây ra việc hiểu nhầm cho người dân là muốn ra vào tỉnh thì phải có xác nhận. Cần nhấn mạnh rằng, địa phương không yêu cầu người dân ra vào tỉnh phải có giấy tờ đi lại và đang thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Cảnh thông tin.

Theo ông Hoàng Viết Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Nông, đơn vị đang cùng với các địa phương, sở, ngành chủ động rà soát, nắm bắt số lao động có nhu cầu trở về các tỉnh phía Nam làm việc để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ họ. Bên cạnh đó, việc rà soát này cũng  nắm bắt được số lượng lao động có nhu cầu ở lại địa phương lâu dài nhằm có phương án đào tạo nghề cung ứng nguồn lao động cho nhiều công ty, nhà máy chuẩn bị đầu tư tại Đắk Nông. Quan điểm của tỉnh là tăng cường vận động người dân trở lại nơi làm việc sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây là cách để người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống, các nhà máy, xí nghiệp vào guồng khôi phục sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn