MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch càng kéo dài, công nhân càng lo lắng

Bảo Hân LDO | 14/09/2021 07:00

Nhiều công nhân lao động đang rất lo lắng sẽ lâm vào tình cảnh thiếu thốn nếu dịch COVID-19 kéo dài.

Chị Sìn Thị Phương - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) - đã xin nghỉ không lương từ cuối tháng 7.2021 để về quê tại Phú Thọ với 2 con.

“Dịch diễn biến phức tạp, công việc không ổn định, thu nhập giảm, trong khi con còn nhỏ, nên tôi đành xin nghỉ việc không lương để trở về quê, có thời gian chăm con nhỏ, chấp nhận không có thu nhập” - chị Phương lý giải.  

Chị Phương và chồng đều làm công nhân, tổng thu nhập của cả 2 khoảng 15 triệu đồng/tháng - mức thu nhập mà chị Phương cho biết phải “chi li” lắm mới đủ để trang trải cuộc sống tha hương.  

Về quê, chị Phương chỉ mới nhận được lương của tháng 7, được 5 triệu đồng, còn tháng 8 không có lương. Dù cuộc sống ở quê không phải chi nhiều như ở thành phố, nhưng cũng khá chật vật khi phải nuôi 2 con. Ông bà ở quê đều không có lương nên không thể hỗ trợ cho chị Phương được nhiều về tài chính, ngoài giúp đỡ những sinh hoạt hàng ngày, chăm các cháu.  

Chồng chị Phương vẫn đang “mắc kẹt” trong phòng trọ ở thôn Bầu ((xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), chưa thể đi làm. Chị Phương kể, tháng vừa rồi không thấy chồng gửi tiền về, chị đoán thu nhập của anh còn không đủ tiêu trên thành phố. 

“Hơn 1 tháng nay, chồng tôi nghỉ làm ở trong phòng trọ, thu nhập cả tháng chỉ được 70% lương cơ bản, tính khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, riêng tiền thuê nhà đã là 500.000 đồng/tháng rồi, chưa kể phải chi tiêu các khoản khác nữa” - chị Phương cho hay. Đồng thời, chị bày tỏ lo lắng khi con còn nhỏ, rất nhiều thứ phải chi. Trong đó, con đầu năm nay vào lớp 1, cần mua sắm nhiều thứ để chuẩn bị cho năm học…  

Theo khảo sát của phóng viên, hiện có rất nhiều công nhân tại thôn Bầu vẫn phải nghỉ làm, ở nhà. Không được đi làm, họ chỉ được hưởng 60-70% mức lương cơ bản, tính ra chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này, dĩ nhiên không đảm bảo trang trải cho cuộc sống, nhất là đối với những người đã có gia đình. Trong khi đó, tiền nhà, tiền điện nước, tiền thực phẩm… vẫn phải chi tiêu, thậm chí còn phải trả nhiều hơn khi giá cả có chiều hướng đắt hơn bình thường.

Những gia đình công nhân đã có con đi học thì lại càng lo lắng hơn khi vào đầu năm học mới, có rất nhiều khoản phải chi tiền. Nghỉ ở nhà, họ không thể đi làm thêm vì giãn cách xã hội, không có cách nào khác để kiếm thêm cho có “đồng ra đồng vào”. Vì vậy, họ rất mong sớm được quay trở lại làm việc để có được thu nhập ổn định như trước - dẫu rằng với mức thu nhập bình thường thì cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn, chật vật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn