MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường hợp bố mẹ đi làm chưa về, con công nhân khu công nghiệp loanh quanh trong nhà trọ, hoặc hàng xóm trông khi nhà trường thông báo cho nghỉ học. Ảnh minh họa: Tùng Giang

Dịch COVID-19: Con giận dỗi vì mãi mẹ không đón lên ở cùng

Quế Chi LDO | 21/03/2020 14:17
Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều gia đình công nhân đã phải gửi con về quê nhờ ông bà trông nom. Những tưởng sẽ sớm được đón con lên, nhưng đã gần 2 tháng, nhiều cặp vợ chồng công nhân vẫn phải xa con, chỉ biết gọi video với con để đỡ nhớ…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh – công nhân Công ty Nissei (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, 2 con ở trọ cùng với bố mẹ. 2 con của anh chị lần lượt 4 tuổi và 3 tuổi. “Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán xong, vừa đưa con lên khu trọ được một ngày thì Hà Nội có lệnh các trường nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, vậy nên tôi lại phải gửi con về quê”- chị Ngọc Anh kể lại.

Vợ chồng chị Ngọc Anh quê ở Nghệ An. Do không thể về quê cùng con nên anh chị phải chọn giải pháp: Bố mẹ chị đi từ Nghệ An lúc 23 giờ đêm hôm trước để sáng hôm sau có mặt tại bến Nước Ngầm (Hà Nội); còn anh chị sẽ bắt taxi từ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long sang bến xe Nước Ngầm rồi “bàn giao” con cho ông bà ngay tại bến xe để ông bà đưa về quê trông cháu. Riêng chi phí cho cuộc “bàn giao” này đã tiêu tốn của anh chị 1,5 triệu đồng.

Lúc đầu, chị tưởng rồi dịch sẽ sớm lắng xuống, sẽ phải xa con chỉ 1,2 tuần thôi, chị lại đón con lên. Thế nhưng, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên từ thời điểm đó đến nay đã được gần 2 tháng mà anh chị vẫn chưa được gặp lại con. “Đang xảy ra dịch nên tôi hạn chế đi lại, về quê gặp nhỡ đâu có nguy cơ lây bệnh cho con. Đường đi lại xa, hơn nữa, chi phí đi lại khá tốn kém nên tôi phải tiết kiệm”- chị Ngọc Anh giải thích.

Thay vào đó, hai vợ chồng chỉ biết gặp con qua các cuộc gọi video lúc tối để nguôi đi nỗi nhớ.

Những lần gặp con, nhất là gần đây, đứa con lớn luôn miệng đòi ra cùng bố mẹ. “Tôi đành dỗ cháu là con ở nhà với ông bà để mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa. Nó liền bảo là con không uống sữa nữa đâu, muốn mẹ cơ. Lúc đấy tôi chỉ biết nín lặng không biết nói sao. Nói xin lỗi nó mà giờ nó giận, không thèm nhìn mặt mẹ nữa”- chị Ngọc Anh kể.

Theo chị Ngọc Anh, do kinh tế khó khăn, nên hàng ngày, ông bà ở quê vẫn phải đi làm công nhân. Cũng may, các cậu, dì đang học trung học phổ thông cũng được nghỉ nên phải nhận trách nhiệm trông các cháu. “Các cậu, các dì đang tuổi chơi, nên đối với việc chăm sóc các cháu, tôi cũng hơi lo một chút, nhưng tôi không có cách nào khác. Nếu đưa các cháu lên đây thì vợ chồng tôi không biết xoay xở thế nào để trông”- chị Ngọc Anh cho biết.

Hàng tháng, anh chị gửi về cho ông bà 5 triệu đồng để chăm sóc cháu. “Bây giờ tôi chỉ mong hết dịch để được đón các cháu lên ở cùng mà chưa biết đến thời điểm nào. Tôi cũng e ngại bởi hiện giờ các cháu đang quen chơi rồi, khi lên đây không biết có chịu đi học không hay phải mất một thời gian mới quen”- chị Ngọc Anh nói thêm.

Có rất nhiều trường hợp như vợ chồng chị Ngọc Anh. Họ rất mong dịch COVID-19 chấm dứt để họ được gần con, mặc dù họ biết, khi có con ở gần, cuộc sống sẽ bận rộn, vất vả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn