MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiệm chè vừa mở của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tâm (KCN Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Phương - Hân

Dịch COVID-19 “đánh bay” việc phụ của công nhân

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 15/05/2021 13:00
Hết giờ làm ca mệt nhọc ở công ty, không ít công nhân (CN) lại tiếp tục gắng gượng làm thêm công việc khác với mong muốn gia tăng thu nhập. Có người xin làm ở cửa hàng chăm sóc tóc, người mở tiệm bán đồ ăn vặt nho nhỏ... Thế nhưng dịch COVID-19 đã khiến công việc của họ thêm phần khó khăn vì vắng khách, đóng cửa.

Xác định bù lỗ nhưng vẫn phải ưu tiên phòng dịch

Mới vừa làm ca đêm trở về nhà trọ, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tâm chẳng kịp nghỉ ngơi đã phải vội vàng xuống cửa hàng để chuẩn bị nguyên liệu bán hàng cho một ngày mới.

Vợ chồng anh Tâm đều làm CN trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) hơn 10 năm nay. Anh Tâm có 2 bé gái, vì muốn các con sau này có điều kiện học tập tốt hơn nên anh và vợ lên kế hoạch mở cửa hàng kinh doanh chè, đồ ăn vặt ở gần với nơi thuê trọ.

Sau thời gian nghiên cứu công thức làm các món ăn, tìm mặt bằng, chuẩn bị vốn, vợ chồng anh Tâm cũng mở được tiệm như mong muốn. Đến nay, quán hoạt động cũng được gần 4 tháng. Theo anh Tâm, thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại, mỗi tháng vợ chồng anh có thêm vài triệu đồng từ công việc này. 2 tuần nay, có ngày anh chị chỉ bán được 5 cốc chè. “Tháng này phải bù lỗ thôi, chỉ lấy công làm lãi” - anh Tâm nói.

Tuy nhiên, anh Tâm cũng chuẩn bị sẵn tâm thế sẽ sống chung và luôn thích ứng với dịch COVID-19. Anh cho hay, quan trọng vẫn phải nghiêm túc phòng, chống dịch, nếu để dịch lây lan rộng ở cộng đồng thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Kể về những khó khăn khi bắt đầu mở quán, anh Tâm cho biết - nếu vợ anh làm ca sáng thì phải thức dậy từ 4 giờ sáng để nấu trước các món chỉ sử dụng được trong ngày. Hôm nào 2 người làm ca khác nhau thì phải thay phiên liên tục, ví dụ chị đi làm về lúc 13 giờ 30 phút thì trước đó anh Tâm phải tạm đóng cửa hàng 30 phút rồi đến công ty làm ca chiều. Còn chị vừa về đến nhà cũng vội thay quần áo để có mặt ở tiệm ngay.

Như vài tuần trở lại đây, cả vợ chồng anh Tâm đều làm ca đêm thì đỡ phần vất vả hơn khi 2 người có thể hỗ trợ nhau. Cũng theo anh Tâm, một ngày 2 vợ chồng chỉ ngủ được 5 tiếng. “Tôi mắt thêm phần thâm quầng, vợ thì da dẻ “xuống cấp” hơn nhiều so với trước đây. Hôm qua trời mưa nên chúng tôi đóng cửa hàng sớm. Từ ngày mở quán đến giờ, hôm qua là thời gian được thảnh thơi và có một bữa cơm trọn vẹn với các con nhất” - anh Tâm nói vui.

Công việc bận rộn ở công ty rồi giờ thêm kinh doanh, cả anh Tâm và vợ đều chạy đua với thời gian. Không chỉ vậy mà sinh hoạt của các con cũng phải “chạy” theo bố mẹ...

Niềm vui từ thu nhập làm thêm “vụt tắt” khi dịch bùng phát

Không mở cửa hàng như anh Nguyễn Thanh Tâm, chị Ngọc Thị Lan - CN Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Đông Anh, Hà Nội) - xin làm thêm ở một tiệm chăm sóc tóc và nail. Khoảng thời gian dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta, công ty của chị Lan bắt đầu khan hiếm việc hơn. Theo chị đã có nhiều CN xin nghỉ việc vì thu nhập giảm sút, công ty chỉ cho làm giờ hành chính, số lần được tăng ca cũng đếm trên đầu ngón tay.

Chị Lan học xong cấp 2, không có bằng cấp, nếu nghỉ việc về quê hay xin công ty khác cũng không thể đảm bảo thu nhập ổn định. Vì vậy, để có thể bám trụ lại thành phố, chị phải dành số tiền tích cóp được sau 3 năm làm CN để học nghề cắt tóc, làm nail.

Học nghề xong chị Lan may mắn xin được công việc làm thêm, những tháng đầu giúp thu nhập tăng đáng kể. Điều đó càng thôi thúc chị Lan phải cố gắng. Cứ sau giờ tan ca chiều, chị chỉ kịp mua hộp xôi hay chiếc bánh mì rồi tức tốc đến tiệm làm. Công việc này bắt đầu từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm, tuy vất vả nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền phần nào được trút bỏ.

Niềm vui chưa được bao lâu thì Khu công nghiệp Thăng Long có ca nhiễm virus SARS-CoV-2, từ đó hàng quán không thiết yếu phải đóng cửa. Vậy là nguồn thu nhập làm thêm của chị Lan cũng không còn vì dịch.

“Sau tôi còn 3 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học. Bố mẹ ở quê sức khoẻ không được tốt. Nếu tôi không cố gắng thì không ai lo được cho gia đình. Tôi chỉ mong dịch nhanh chóng lắng xuống để chúng tôi có thể yên tâm làm việc” - chị Lan chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn