MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước khi vào nhà máy làm việc tại Tây Ninh. Ảnh LĐLĐ Tây Ninh

Dịch COVID-19 làm "tê liệt" thị trường lao động sôi nổi nhất

ANH THƯ LDO | 11/08/2021 16:34
Tác động của dịch COVID-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước.

Giảm 1 triệu lao động trong tháng 7

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam bị tác động theo chiều hướng tiêu cực cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm COVID-19.

Cụ thể, lực lượng lao động bị sụt giảm nghiêm trọng. Lực lượng lao động Quý II.2021 là 51,1 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 304 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019.

Theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch thì lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.

Tháng 7.2021 với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh phía nam, Thành phố Hà Nội và một số địa điểm ở các tỉnh, thành phố khác, làm cho lực lượng lao động giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước ước hơn 1 triệu lao động.

Bên cạnh đó, trong tháng 7, số lao động có việc làm sụt giảm tương tự như quý II.2020, giảm hơn 1 triệu lao động.

Nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải lùi đơn hàng xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Vũ Long

Cục Việc làm cho rằng, số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.

Số người thất nghiệp trong quý II.2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng trong tháng 7, với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tiếp tục tăng nhiều: Quý II.2021 tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,2%, tỷ lệ này trong tháng 7 tăng rất cao vì lao động phải ở nhà, nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội.

Lao động bị ảnh hưởng tiêu cực dịch COVID-19

Theo Cục Việc làm, trong quý II.2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc.

Chuyển nhu yếu phẩm cho người trong công trường một dự án xây dựng. Ảnh: T.A

Từ cuối tháng 6, với sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía nam, khiến cho 21 tỉnh thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt trong đó có các tỉnh tập trung phần lớn khu công nghiệp, khu chế xuất, là động lực phát triển kinh tế chính của đất nước.

Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người (20% tổng số lao động).

Tại 19 tỉnh, thành phố phía nam hiện đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, hiện nay có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, số lao động ngừng việc gần 3 triệu người (33,4% tổng số lao động).

Trong khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 827 doanh nghiệp hoạt động (57,56%); Bình Dương 14.399 doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên (80%) ngừng hoạt động với 303.721 lao động bị ngưng việc (71,8% lao động); Đồng Nai có 586 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 316.511 lao động bị ngưng việc; Tiền Giang 3.799 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 180.545 lao động bị ngưng việc; Đồng Tháp 2.688 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 54.863 lao động ngưng việc; Cần Thơ có 11.526 doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn đến 114.572 lao động ngưng việc; Bà Rịa –Vũng Tàu có 4.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn đến 120.000 lao động ngưng việc,…

Cục Việc làm cho hay, các doanh nghiệp đang trong vùng có dịch buộc phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được các tiêu chí “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm” để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa chống dịch.

Hiện nay, chỉ có số ít doanh nghiệp đáp ứng được; những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 3 lần và tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn