MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhà xưởng của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đổ sập khiến 21 người thương vong. Ảnh Hải Nguyễn.

Điểm lại những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm

ANH THƯ LDO | 21/09/2020 15:45
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ tai nạn lao động làm 3.450 người bị nạn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ tai nạn lao động làm 3.450 người bị nạn.

Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 256 vụ tai nạn lao động chết người làm 274 người chết; Khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra 104 vụ tai nạn lao động làm 104 người chết. Số người bị thương nặng là 806 người.

Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 516 tỉ đồng; thiệt hại về tài sản là gần 518 tỉ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 49.438 ngày.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng phải kể đến là vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 25.5 tại dự án Thủy điện Plei Kần (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) làm 6 công nhân Công ty Cổ phần Tấn Phát thương vong (3 người chết, 3 người bị thương).

Bên cạnh đó, tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày 10.6 làm 23 người thương vong (3 người chết, 20 người thương); vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng phải nhắc đến là vụ tai nạn xảy ra ngày 14.5 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần AV Healthcare - Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong...

Những địa phương có nhiều người chết vì tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm đối với một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết từ 2 người trở lên và bị thương nhiều người) tại các địa phương như Hà Nội, Bến Tre, Hòa Bình, Đồng Nai, Phú Yên, Kon Tum, Điện Biên, Hải Dương, xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện.

Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý 6 tháng đầu năm 2020 có 5 vụ đề nghị khởi tố, 3 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.

Còn trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, các vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, cơ khí, kinh doanh dịch vụ.

Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là Hà Nội, Quảng Nam, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Phước...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn