MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn Người lao động sẽ tạo hiệu ứng tích cực với công nhân. Ảnh: Hải Nguyễn

Diễn đàn Người lao động giúp công nhân nói hết trăn trở, khó khăn của mình

PHẠM ĐÔNG LDO | 28/07/2023 10:17

Diễn đàn Người lao động năm 2023 là dịp để Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.

Theo chương trình, chiều nay (28.7), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023.

Với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn", diễn đàn sẽ cụ thể hoá cam kết của Quốc hội trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Bày tỏ sự quan tâm đến diễn đàn, trao đổi với Báo Lao Động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức vào thời điểm này là rất trúng, rất kịp thời và thể hiện sâu sắc tinh thần “Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ”.

Về nội dung của diễn đàn, bà Nga tâm đắc nhất với nhóm nội dung bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của người lao động, đề xuất các ý tưởng vượt khó... Bởi chỉ khi người lao động nói hết trăn trở, khó khăn của mình thì những vấn đề đó mới sớm được giải quyết.

Theo bà Nga, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội là công tác lập pháp.

Do đó, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại diễn đàn là một kênh vô cùng quan trọng để Quốc hội xem xét nhóm nội dung liên quan đến công tác lập pháp.

Hơn thế nữa, đây còn là sự đề cao, khích lệ người lao động đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình vào việc đề xuất các giải pháp thiết thực với mỗi cá nhân.

Điều khiến bà Nga trăn trở là Việt Nam có nhiều thế mạnh về lao động, nhưng chưa phát huy được hết ưu thế đó. Năng suất lao động thấp, số lao động đã qua đào tạo cũng thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh hiện tại, số lượng lao động bị mất việc làm, bị hoãn, giảm giờ làm rất nhiều... Tất cả những điều đó đã khiến nền kinh tế gặp khó khăn và tiếp tục tác động ngược trở lại người lao động, khiến họ phải đối mặt với nỗi lo mất việc, giảm thu nhập, cuộc sống bấp bênh...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Phạm Đông

Thông qua diễn đàn này, bà Nga hi vọng không chỉ Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu quốc hội hay lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành mà toàn bộ hệ thống chính trị, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thấu hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn chính đáng của người lao động.

Từ đó có quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, động viên kịp thời người lao động.

Đặc biệt, bà Nga mong muốn những hoạt động tương tự diễn đàn này sẽ được tổ chức và duy trì thường xuyên để Quốc hội xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế về việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

Về dự báo thị trường lao động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng, giải pháp căn cơ là cần tái cấu trúc doanh nghiệp, định hướng lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chiều sâu.

Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động đặc biệt với lao động trình độ thấp cần đào tạo, đào tạo lại.

Ngành lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương cần tập trung nắm chắc thực trạng của doanh nghiệp trên địa bàn; cả doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lẫn doanh nghiệp có người lao động giãn việc phải sa thải lao động. Từ đó, triển khai các giải pháp, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện hỗ trợ cho họ.

Để làm được việc này, vị chuyên gia cho rằng, cũng cần có sự phối hợp giữa người lao động, doanh nghiệp và của tổ chức liên quan đến người lao động, đặc biệt là tổ chức Công đoàn.

Các địa phương cần có đề án về cung ứng lao động. Đặc biệt, cần chú ý nguồn cung lao động từ các doanh nghiệp có lao động bị mất việc, giãn việc; lao động muốn chuyển đổi việc làm, lao động mất việc phải ưu tiên hàng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn