MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng, DN cần cắt giảm chi phí không hợp lý

Minh Hương LDO | 27/03/2022 14:14

Theo chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thời điểm này sẽ rất cần thiết với đối tượng công nhân lao động. Còn doanh nghiệp, phải tìm nhiều biện pháp để tiết giảm, cắt giảm chi phí không hợp lý để có điều kiện nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - có thể thấy, hiện nay rất nhiều yếu tố, chi phí của người sử dụng lao động gắn với mức lương tối thiểu vùng.

Như mọi năm, khi tăng lương tối thiểu, ở doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh tiền lương cho người lao động, lúc này, doanh nghiệp cũng có tác động, khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh tăng lương, người lao động sẽ được hưởng lợi, đúng như tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TƯ. Đó là, xác định đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Khi người lao động được tăng lương, họ sẽ gắn bó và có lao động chất lượng hiệu quả tốt hơn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng giải thích, từ những áp lực khi tăng lương cho người lao động, doanh nghiệp phải tìm nhiều biện pháp để tiết giảm, cắt giảm chi phí không hợp lý để có điều kiện nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động. Lúc này, người lao động lại tác động trở lại, giúp cho doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Theo đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia, từ khi Bộ luật Lao động ra đời, hằng năm đều xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng, từ năm 2016-2020, mức điều chỉnh là 7,4%. Từ năm 2019, dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh lưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và người lao động nên lương tối thiểu vẫn neo ở mức cũ.

Sắp tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về vấn đề  lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023, ông Lê Đình Quảng mong muốn xem xét lại mức điều chỉnh tiền lương.

“Chỉ số trượt giá ở mức cao, so với tiền lương thực tế của người lao động chênh lệch khá lớn. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu là rất cần thiết. Tuy nhiên điều chỉnh thế nào để bù đắp cho 2 năm qua cũng cần cân đối để đảm bảo khả năng, hài hoà cho doanh nghiệp. Đây là bài toán tôi nhận thấy hết sức khó khăn” – ông Lê Đình Quảng nhận định.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá qua từng năm còn mức lương của công nhân lao động chỉ đủ để đảm bảo “nhu cầu sống tối thiểu”. Do đó, công nhân mong muốn năm nay có sự tăng lương tối thiểu vùng để mức sống đảm bảo hơn.

Tăng lương tối thiểu là nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, mức lương của họ thường xuyên không đủ đáp ứng chi phí ăn ở. Ảnh: Minh Hương.

Chị Nguyễn Thị Nhàn - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Hiện, chị được công ty trả 5,3 triệu đồng tiền lương/tháng. Tính thêm các khoản phụ cấp thì tăng thêm được hơn một triệu đồng. 

Chị Nhàn cho biết - hằng năm, công ty vẫn tăng lương cho công nhân. Theo đó việc tăng lương được dựa theo đánh giá năng lực, công nhân được tăng lương cao nhất 150-200.000 đồng/tháng; thấp thì vài chục nghìn đồng.

Dù mỗi năm lương được tăng thêm 150.000 đồng/tháng nhưng theo nữ công nhân, số tiền này quá chênh lệch khi giá cả ngày một tăng.

Là công nhân ngoại tỉnh phải thuê trọ, chị Nhàn có một "rổ" phải chi tiêu. Nếu không tăng ca, làm thêm giờ thì tiền lương sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Sắp tới điều chỉnh lương tối thiểu vùng, chị Nhàn nói: “Dù thế nào, tôi vẫn mong muốn năm nay sẽ có sự thay đổi, dù ít hay nhiều, cứ tăng là được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn