MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ Quảng Ninh và Sở Y tế tỉnh kiểm tra việc tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nữ CNLĐ tại khu công nghiệp. Ảnh: T.N.D

Điều kiện làm việc quyết định sức khỏe người lao động

TRẦN NGỌC DUY LDO | 01/10/2019 13:56

Quảng Ninh có hơn 18.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với trên 400.000 lao động. Trong đó, hàng vạn người đang hằng ngày, hằng giờ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, có nguy cơ cao dẫn đến suy giảm sức khỏe, ốm đau và phơi nhiễm với các bệnh nghề nghiệp (BNN).

Bệnh hô hấp - kẻ tàn phá sức khỏe

Đối với các DN, “vốn” quý nhất là người lao động (NLĐ). Do đó, rất nhiều DN và tổ chức Công đoàn (CĐ) luôn đặt vấn đề quan tâm đến sức khỏe của NLĐ; đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường làm việc; chăm lo từ nơi ăn, chốn ở, trang bị bảo hộ lao động, tổ chức khám chữa bệnh cho công nhân…

Tại Khoa hô hấp và Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh), rất nhiều bệnh nhân đang điều trị BNN là công nhân đã nghỉ hưu sau nhiều năm và hiện làm việc tại nhiều đơn vị của ngành than. Anh Nguyễn Ngọc Tân - thợ mìn, Phân xưởng KT3, Công trường than Thành Công (Hòn Gai) - dù mới 47 tuổi nhưng trông nhìn già nhiều so với tuổi của mình. Theo lời kể của anh Tân, 19 năm làm thợ mỏ, anh có tiền sử mắc bệnh bụi phổi silic. Kết luận của bác sĩ, anh Tân suy giảm 25% sức khỏe do BNN gây ra. Đợt điều trị này, các cơn ho liên tục, sức khỏe suy giảm nên anh Tân phải nhập viện điều trị.

“Trước đây tôi làm thợ đào lò. Từ ngày mắc BNN, tôi phải chuyển sang làm công việc nhẹ hơn. Điều đó đồng nghĩa với thu nhập bị giảm sút. Ở nhà, tôi cũng không giúp đỡ được vợ con do sức khỏe không đảm bảo” - anh Tân buồn bã nói.

Cũng căn phòng điều trị gần đó, bệnh nhân là ông Phạm Văn Đoan (85 tuổi) luôn là một bệnh quen thuộc hơn 40 năm nay của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Căn bệnh bụi phổi silic hành hạ khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên. Ông ho, khó thở liên tục tăng dần, tức ngực sau xương ức lan ra sau lưng. Có tháng, ông phải vào viện đến 3 lần. Lần nào nhập viện, ông cũng trong tình trạng phải thở ôxy gấp. Ông Đoan cho biết, bản thân từng là công nhân mỏ Hà Lầm gần 40 năm. Do ảnh hưởng môi trường làm việc, ông mắc bệnh bụi phổi ngay từ khi 42 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thành Định - Trưởng khoa hô hấp và bệnh nghề nghiệp - cho hay, hàng năm có khoảng 500 bệnh nhân vào viện điều trị BNN. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh đã nặng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy kiệt, thậm chí không làm chủ được sinh hoạt của bản thân. “Bệnh càng nặng, chi phí điều trị càng tốn kém với gia đình và sức khỏe cũng khó hồi phục” - bác sĩ Định nói.

Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho thấy: Trong giai đoạn từ 2013 - 2018, các đơn vị, DN trên địa bàn đã tổ chức khám BNN cho tổng số 56.068 NLĐ, qua đó phát hiện 2.363 người mắc BNN. Nhưng theo đại diện Công đoàn Quảng Ninh, trong đó 2.266 người bị bệnh bụi phổi silic tập trung phần lớn là CNLĐ trong ngành than và khai thác khoáng sản; 40 người bị bệnh lao; 38 người bị bệnh sạm da; 19 người bị bệnh điếc đều xuất phát từ môi trường lao động...

Cần quan tâm sức khỏe, môi trường làm việc

LĐLĐ Quảng Ninh đánh giá, trên thực tế, với cường độ lao động như hiện nay, rất ít NLĐ có thời gian quan tâm chăm sóc sức khỏe của bản thân, chủ động đi khám và được tư vấn về sức khỏe. Do vậy, việc chăm lo sức khỏe NLĐ trên địa bàn tỉnh đã được CĐ Quảng Ninh và Sở Y tế cùng phối hợp chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho CNVCLĐ (giai đoạn 2019 - 2023).

Ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ninh - nói rằng, thông qua sự phối hợp hai cơ quan, nhiệm vụ chính sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ với các mô hình “Sức khỏe của bạn”; giáo dục truyền thông về bảo vệ chăm sóc sức khỏe NLĐ, nguy cơ và cách phòng chống hiệu quả BNN…

LĐLĐ cấp tỉnh giao cụ thể việc chăm sóc sức khỏe CNLĐ, phấn đấu hàng năm mỗi LĐLĐ cấp huyện, ngành có ít nhất một hoạt động phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Y tế nhằm triển khai tư vấn, quản lý sức khỏe NLĐ; cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CNLĐ; triển khai xây dựng 3 mô hình chăm sóc sức khỏe cho CNVCLĐ tại cơ sở. Một số DN tập trung đông CNLĐ cũng đã tổ chức các hoạt động khám sức khỏe cho CNLĐ, truyền thông bảo vệ chăm sóc sức khỏe bản thân, nguy cơ và phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp…

Tuy nhiên, việc phòng chống BNN còn nhiều khó khăn khi quan trắc môi trường tại các DN trong 3 năm qua cho thấy tỉ lệ số mẫu không đạt vẫn chiếm khá cao từ 9 đến hơn 10%. Do vậy, ông Vũ Quyết Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh - khuyến cáo: Các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa cần tập trung cải thiện môi trường làm việc, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại; cấp phát đầy đủ bảo hộ cho NLĐ; chăm sóc công nhân cả về đời sống, vật chất đến tinh thần. Một khuyến cáo được bác sĩ này đưa ra là để bảo vệ sức khỏe chính mình, NLĐ cần phải chấp hành nghiêm quy định về trang phục bảo hộ lao động trong khi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn