MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều ước giản đơn của công nhân khi năm hết Tết đến

Minh Phương LDO | 14/02/2021 14:10
Kết thúc một năm đầy biến động, sang năm mới, nhiều công nhân mong muốn vẫn có công việc để làm hay chỉ ước được đổi sang căn phòng trọ khác rộng rãi hơn.

Trịnh Thị Hồng (18 tuổi, quê Phú Thọ) được nhận vào làm chính thức cho Công ty TNHH Asahi Intecc (Đông Anh, Hà Nội) đã 3 tháng nay. Bắt đầu làm việc ở môi trường mới, vì chưa quen với áp lực, Hồng đã sút 3kg chỉ sau nửa tháng thử việc.

Trịnh Thị Hồng - công nhân Công ty TNHH Asahi Intecc (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: M.Phương

Học xong cấp 3, Hồng ứng tuyển vào công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Hồng hiện trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh trong căn phòng 10m2. Sống một mình, phòng lại bé nên Hồng không nấu ăn. Đi làm về, cô chỉ mua tạm hộp xôi, ăn gói mì, hay mua hộp cơm, chiếc bánh bao ăn cho xong bữa.

Sang năm mới, Trịnh Thị Hồng chỉ mong có công việc để đi làm.

"Ở ngoài này không có bạn bè, người thân, nhiều lúc thèm cảm giác được ăn cơm nhà kinh khủng. Dù ở nhà ăn cơm chỉ có rau với trứng nhưng vẫn thấy ngon miệng vì có gia đình bên cạnh" - Hồng nói.

Hiện lương của Hồng khoảng gần 7 triệu đồng/tháng. Ngoài lo mọi chi phí cho bản thân, mỗi tháng Hồng còn gửi về chăm lo cho 2 em nhỏ. Ra đời bươn chải sớm, với Hồng, có việc để tự nuôi sống bản thân là điều may mắn nên sang năm mới, cô hy vọng mình vẫn có công việc để có tiền trang trải.

Còn chị Phạm Thị Thao (sinh năm 1980) - công nhân Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Chị Thao làm công nhân đã 14 năm, nhưng chưa năm nào khó khăn như năm vừa qua vì tác động của dịch COVID-19. Năm qua, chị cũng như nhiều công nhân khác bị giãn việc, dẫn tới thu nhập giảm. Tuy nhiên, chị Thao cho hay, đây là khó khăn chung nên tất cả công nhân đều cố gắng vượt qua.

Còn chị Phạm Thị Thao (áo xanh) ước mình có thêm thật nhiều sức khoẻ. (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại).

Chị Thao có 2 người con, trong đó con đầu bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển. Còn chồng của chị đã mất cách đây khá lâu vì tai nạn lao động. Suốt nhiều năm qua, chị Thao một thân một mình nuôi các con khôn lớn. Nhưng không may, năm 2019, chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Từ đó tới nay, chị vừa làm việc ở công ty vừa đi chữa bệnh.

"Năm hết Tết đến, tôi ước mình có thêm sức khoẻ để được ở bên các con lâu hơn" - chị Thao nói.

Còn trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Sỹ (quê ở Hà Tĩnh) lại khác. Làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long đã được 5 năm nay, cả gia đình 3 người sống trong căn phòng trọ rộng khoảng 15m2 thiếu rất nhiều vật dụng.

Kể về cuộc sống và công việc, chị Nguyễn Thị Tiến - vợ anh Sỹ - không khỏi ngậm ngùi. Bởi, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền cho cậu con trai 4 tuổi đi học ở trường tư, anh chị đã tiêu hết khoảng 2 triệu đồng. Bởi vậy, tiền thuê phòng, tiền ăn uống... gia đình chị phải cân đối theo kiểu chắp vá, tháng này bù cho tháng kia.

Năm hết Tết đến, gia đình chị Nguyễn Thị Tiến muốn có thu nhập ổn định, rồi cả nhà tìm thuê căn phòng trọ khác rộng rãi hơn. Ảnh: M.Phương

Cuộc sống cứ chen chúc và chật vật như vậy, chị Tiến và chồng không biết đến bao giờ mới được thảnh thơi. Đi làm cả một năm trời, thời điểm cuối năm, những lắng lo trong chị Tiến càng nhiều hơn.

Gần hết năm, vợ chồng chị Tiến càng thở dài vì một năm qua không tiết kiệm được nhiều, cũng chưa làm được gì quan trọng nên chị Tiến mong thời gian trôi chậm chậm.

"Một năm nữa trôi qua, tôi mong muốn sang năm mới thu nhập ổn định hơn, rồi cả nhà tìm thuê căn phòng trọ khác rộng rãi, đẹp hơn cho con trai có không gian vui chơi" - chị Tiến bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn