MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học nghề giúp học sinh, sinh viên sớm gia nhập thị trường lao động. Ảnh: Chân Phúc

Định hướng nghề sớm giúp thị trường không thừa thầy thiếu thợ

Chân Phúc LDO | 21/02/2024 09:16

Thay vì tiếp tục chọn học THPT, nhiều em học sinh đã định hướng nghề nghiệp tương lai từ sớm khi vừa kết thúc chương trình học THCS để chọn hướng học nghề với hy vọng sớm gia nhập thị trường lao động.

Chọn học nghề

Đó là câu chuyện của Võ Duy Thắng (thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Thắng hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Công nghệ ôtô, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TPHCM).

Năm 2023, Thắng tốt nghiệp THCS, thi đậu vào trường THPT công lập gần nhà nhưng sau đó thổ lộ nguyện vọng với gia đình muốn được học nghề thay vì bước vào trường cấp 3 THPT như bạn bè. Và nguyện vọng này được gia đình Thắng ủng hộ, em chính thức bước vào một hướng đi mới, một mình lên TPHCM học tập, sống xa vòng tay của bố mẹ khi mới 15 tuổi.

“Khởi đầu nào cũng sẽ khó khăn, thách thức nhưng em tin vào lựa chọn của bản thân. Trước mắt, em sẽ cố gắng học thật tốt, lấy bằng trung cấp nghề và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông, sau đó sẽ đưa ra quyết định tiếp tục theo học lên chương trình cao đẳng hoặc gia nhập thị trường lao động”, Thắng tâm sự.

Đó cũng là lựa chọn của em Trần Hoàng Long (19 tuổi, quê Bến Tre). Long hiện là sinh viên năm 2 ngành Quản trị bếp - ẩm thực, Trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM).

Hoàng Long cho biết, từ nhỏ em đã có sở thích, đam mê với nghề bếp nên luôn nuôi hy vọng lớn lên sẽ trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Và năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp THCS em đã giấu bố mẹ, người thân một mình lên TPHCM đăng ký học nghề.

“Lúc đó, em còn nhỏ, suy nghĩ không chín chắn, cứ sợ bố mẹ không đồng ý nên em trốn đi lên trường đăng ký nhập học 1 mình. Sau 2 ngày thì gia đình biết, lên TPHCM đón em về và đồng ý cho em học nghề. Giờ nghĩ lại em thấy rất hối hận khi trốn nhà đi để bố mẹ, người thân phải đi tìm, lo lắng nhưng em cũng rất vui và hạnh phúc khi được gia đình đồng ý để em theo đuổi ước mơ”, Hoàng Long nhớ lại.

Dù chưa tốt nghiệp nhưng hiện Long đang vừa học vừa làm cho một nhà hàng ở quận Bình Thạnh với mức lương hơn 4,5 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đủ để Hoàng Long trang trải cuộc sống mà không cần nhận phụ cấp từ bố mẹ.

Xu thế phù hợp với thị trường lao động

Ông Võ Duy Trung, phụ huynh em Võ Duy Thắng (thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho hay, rất bất ngờ trước quyết định của con trai.

“Tôi cũng như bao phụ huynh khác, luôn muốn con được học tập, sống trong môi trường tốt nhất. Tôi chưa bao giờ ép con phải theo học này hay học kia mà chỉ là người đưa ra những lời tư vấn, khuyên răn. Khi nghe con chọn hướng học nghề tôi đã khựng lại nhưng sau khi suy nghĩ tôi thấy đây cũng là một hướng đi phù hợp với con. Thời điểm được đánh giá thừa thầy thiếu thợ như hiện nay thì việc con học nghề cũng rất hợp lý. Tôi vui vì con biết định hướng nghề nghiệp từ sớm”, ông Trung chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Mai - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Đào tạo, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng - cho biết, học nghề sẽ có một số lợi thế nhất định, đầu tiên là các em hoàn toàn không mất học phí. Thứ 2, việc học văn hóa tại trường nghề giúp các em sau khi tốt nghiệp trường nghề vẫn được tiếp tục đăng ký học lên các bậc học tiếp theo. Ngoài ra, tại trường nghề các em được tiếp xúc với ngành nghề sớm, từ đó sớm gia nhập thị trường lao động.

Theo bà Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề TPHCM, số lượng học sinh lựa chọn học nghề trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Dẫn chứng là việc tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM mỗi năm đang đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên và có xu hướng tăng lên.

Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn đang rất thích tuyển dụng nhân sự là những sinh viên trường nghề, bởi trong quá trình đào tạo, 70% thời gian các em được học thực hành, khi tốt nghiệp các em đã sẵn sàng gia nhập ngay vào thị trường lao động, doanh nghiệp không mất nhiều thời gian để đào tạo lại.

“Thống kê cho thấy, khoảng 90% học sinh, sinh viên của trường tốt nghiệp đều có việc làm đúng nghề được đào tạo, chỉ có số ít là các em quyết định hướng đi khác” - bà Phan Vũ Nguyên Khương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn