MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân quyết định không về quê mà ở lại nơi trọ trong dịp nghỉ lễ 30.4-1.5. Ảnh: Bảo Hân

Dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5: Công nhân tranh thủ tăng ca, lên sớm để làm việc

Bảo Hân  LDO | 03/05/2022 08:30

Bên cạnh những người lao động về quê, đi du lịch, vẫn có những trường hợp quyết định ở lại nơi trọ để tránh tắc đường, làm thêm hoặc không đủ tiền.

Trở lại làm việc trước khi kết thúc nghỉ lễ  

Sáng 2.5, chị Nông Thị Thảo - sinh năm 1977, công nhân một công ty điện tử trong khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - đã trở lại làm việc sau 2 ngày nghỉ (30.4 và 1.5).

“Tôi muốn nghỉ lễ nhiều ngày hơn để được ở bên gia đình, nhưng nếu nghỉ thì không có tiền tiêu, nên vẫn quyết định đi làm sớm hơn” - chị Thảo cho hay.  

Chị Thảo quê ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Chiều 27.4, sau khi kết thúc buổi làm việc, chị tranh thủ đi xe máy về quê thăm chồng và 2 con. Chị không dám thuê xe riêng vì sẽ rất tốn tiền so với thu nhập hạn hẹp; còn nếu đi xe khách thì rất dễ lâm vào tình cảnh chen chúc, chật chội. Về quê, chị dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà với chồng và các con, không đi đâu chơi vì, như chị nói “không có tiền”.  

Làm công nhân được 9 năm nay, nhưng lương cơ bản của nữ công nhân này chỉ dừng ở con số 4.360.000 đồng/tháng. “Năm trước, công ty không tăng, nói do ảnh hưởng của COVID-19. Năm nay, lương cơ bản này mới tăng thêm được 100.000 đồng” - chị Thảo cho hay.  

Lương cơ bản thấp kéo theo thu nhập của chị cũng thấp theo, Nếu không tăng ca, làm thêm, thu nhập của chị chỉ được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Nếu muốn có thêm tiền - ở mức khoảng 8 triệu đồng - chị phải tăng ca nhiều hơn. Thu nhập thấp, nhưng chị Thảo phải “chia 5, xẻ bảy” đồng lương của mình: Tiền gửi về cho chồng con; tiền thuê nhà (1 triệu đồng/tháng); tiền ăn uống, sinh hoạt; tiền đi lại… Tằn tiện lắm, số tiền còm cõi này mới đủ trang trải cho cả gia đình.  

“Ngại” về quê, đành ở lại nơi trọ  

Không ít người lao động khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động đều bày tỏ tâm lý ngại về quê trong những dịp nghỉ lễ như này vì sợ sẽ bị tắc đường.  

Chị Nguyễn Thị Lan (giáo viên mầm non, thuê trọ tại chung cư CT1A, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Được nghỉ lễ 4 ngày, nhưng vợ chồng chị Lan quyết định không về quê.

“Lý do là tôi rất sợ cảnh tắc đường, đông đúc. Dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, gia đình tôi thuê xe riêng về quê và đã “hứng chịu” cảnh chen chúc trên đường này. Vì vậy, tôi rút kinh nghiệm là không về quê dịp nghỉ lễ nữa. Nếu muốn, gia đình tôi sẽ về vào những dịp cuối tuần để đi lại thoải mái hơn” - chị Lan nói.  

Ngoài ra, một nguyên nhân chị Lan ngại về quê đó là giá thuê xe những dịp này đắt hơn ngày thường.

“Thường cả gia đình tôi thuê xe về quê mất 1,2 triệu đồng, nhưng vừa rồi, tôi hỏi thì được báo là giá đã tăng lên 1,6 triệu đồng” - chị Lan cho hay.  

Quyết định không về quê, gia đình chị Lan không đi đâu chơi mà ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu các món ngon để cả gia đình cùng thưởng thức, bù lại những ngày làm việc vất vả, mệt mỏi…  

Cũng giống như chị Lan, chị Nông Thị Biểu - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang cũng quyết định ở lại nhà trọ.

“Thực ra tôi có ý định bắt xe khách giường nằm về quê, nhưng do hỏi muộn quá nên không còn chỗ. Thuê xe riêng thì rất đắt so với thu nhập của tôi, hơn nữa, ngày lễ lượng người đi lại rất đông, nên tôi quyết định ở lại phòng trọ” - chị Biểu cho hay.  

Quê chị Biểu ở Cao Bằng, cách nơi làm việc khoảng 250 km. Giá vé xe giường nằm là 300.000 đồng/người. Nếu cả 2 vợ chồng cùng đi về, tính ra cả chiều đi, chiều về sẽ tiêu tốn 1,2 triệu đồng, chưa kể những khoản chi phí phát sinh khác.

“Ở lại phòng trọ để tiết kiệm tiền, mặc dù nếu không về quê thì sẽ rất nhớ nhà, nhớ con” - chị Biểu tâm sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn