MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phúc lợi đảm bảo, quan tâm đến đời sống NLĐ là một trong những cách thức mà DN giữ chân NLĐ. Trong ảnh là cán bộ công đoàn và chủ DN thăm hỏi công nhân tại Cty Trường Lợi. Ảnh: L.TUYẾT

DN dệt may, da giày cạnh tranh lao động gay gắt

LÊ TUYẾT LDO | 13/02/2019 17:17

Năm 2019, sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp (DN) cũng diễn ra quyết liệt hơn, đòi hỏi DN phải tăng các chương trình phúc lợi thu hút lao động hoặc thay đổi công nghệ để thích ứng.

Khan hiếm lao động ở nhiều vị trí

Mở rộng sản xuất, tuyển thêm nhân sự, tập trung đào tạo người lao động (NLĐ) để nâng cao tay nghề nằm trong những kế hoạch trong năm mới của nhiều DN. Tại Cty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng (quận 12, TPHCM, nhà máy thuộc Tập đoàn TMI), ông Lê Huy Ái - Chủ tịch CĐ Cty cho biết, đơn vị có rất nhiều đơn hàng và đơn hàng này ổn định. Năm 2019, Cty tiếp tục mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động cho các xưởng.

Đầu năm 2019, Navigos Group công bố dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong quý IV/2018, theo đó ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển người. Theo lý giải của Navigos Group, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam, thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn, đồng thời với lợi thế về mức giá nhân công cạnh tranh, Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều việc làm mới cũng được tạo ra.

Bên cạnh đó, các Cty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc và cả các Cty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao có xu hướng chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và cạnh tranh nhất cho việc dịch chuyển của các DN này.

Theo ghi nhận của Navigos Group, nhiều DN đã hoạt động nhiều năm tại Việt Nam cũng đang trong quá trình mở rộng quy mô về sản xuất. Đứng trước xu hướng tuyển dụng tăng cao trong lĩnh dệt may, DN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực. Nguyên nhân do ngành dệt may luôn khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp trung, cấp cao vừa có kỹ năng chuyên sâu về ngành và có thể giao tiếp tiếng Anh. Hiện nay, một số DN do thiếu tính cạnh tranh đã dẫn đến tình trạng mất nhân công, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất không hết công suất.

Chủ một DN chuyên về may mặc có trụ sở chính tại quận 9 (TPHCM) chia sẻ: “Tìm lao động ở các tỉnh, thành công nghiệp không còn là chuyện dễ, chúng tôi đưa nhà máy về các tỉnh xa. Nhiều tỉnh thu hút đầu tư, ưu đãi nhiều nhưng chúng tôi cũng đưa luôn điều kiện là địa phương phải giới thiệu được một lượng lao động nhất định, nếu không DN không dám đầu tư. Nhiều DN may mặc còn chọn phương án chia nhỏ lẻ các đơn hàng, giao cho các tổ hợp, gia đình thực hiện để giải quyết phương án nhân công”.

DN thay đổi chính sách phúc lợi, công nghệ để thích ứng

Cty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) là DN có đông công nhân nhất TPHCM, tuy nhiên những năm gần đây số lượng lao động ở DN này liên tục giảm: Năm 2013 là 83.000 lao động, năm 2015 là 78.000 lao động, năm 2016 là 73.000 lao động, năm 2017 và năm 2018 là 65.800 lao động. Lý giải về việc này, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết: Những năm gần đây, việc tuyển mới lao động gặp nhiều khó khăn. Để bù đắp cho lượng lao động thiếu hụt và vẫn đảm bảo được sản lượng, yêu cầu sản xuất, DN đã đầu tư cho thiết bị máy móc hiện đại, chú trọng nâng cao tay nghề cho NLĐ. Năm 2019 này, Cty có nhu cầu tuyển hơn 3.000 công nhân và Cty cũng tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc, phương tiện sản xuất hiện đại để đáp ứng yêu cầu tình hình sản xuất.

Theo bà Lê Thị Kim - Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc (ManpowerGroup Việt Nam), sự phân bổ đầu tư giữa các tỉnh khác nhau dẫn đến sự mất cân đối giữa cung - cầu trong tuyển dụng. Các khu vực gần Hà Nội, TPHCM, gần sân bay và cầu cảng có lượng đầu tư lớn hơn dẫn đến thiếu hụt lao động nhiều hơn và NLĐ càng ngày càng có xu hướng đổ về các thành phố lớn. Tuy nhiên, NLĐ hiện nay lại có xu hướng tìm kiếm các công việc ngắn hạn có mức thu nhập tháng cao chứ không còn tìm kiếm các công việc ổn định mà thu nhập hàng tháng thấp với tâm lý chờ thưởng cuối năm hay là tìm kiếm các quyền lợi phi tài chính nữa.

Theo bà Phạm Ngọc Điệp - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ DN thuộc Ban quản lý các KCX - CN TPHCM, bên cạnh những DN khó tuyển lao động thì cũng có những DN không bao giờ lo thiếu. Như vậy, để thu hút NLĐ, DN phải xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, có chế độ lương, thưởng phúc lợi tốt, chủ động kết nối với các nguồn cung cấp lao động để có được nguồn lao động dồi dào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn