MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty Samho Việt Nam (TPHCM) vẫn duy trì việc đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào làm việc. Ảnh: Đức Long

DN duy trì những tiêu chí đảm bảo an toàn cho công nhân

Nam Dương LDO | 06/08/2020 06:57
Để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh COVID-19 gắn với phát triển KT-XH trong tình hình mới, TPHCM đã yêu cầu kích hoạt lại các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Trong đợt dịch vào những tháng đầu năm 2020, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và áp dụng Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp (DN). Tiếp theo đó, thành phố cũng xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 ở các lĩnh vực khác (hoạt động du lịch, giao thông vận tải, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, an toàn tại chợ đầu mối, trường học…).

Theo Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2, DN sản xuất phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân (CN), trong đó phải tuân thủ một số tiêu chí về mật độ làm việc, đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay, khoảng cách nhà ăn, đưa đón CN…

Trước tình hình mới của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục yêu cầu Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghệ cao (KCX, KCNC) kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh tại các DN.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, các DN trên địa bàn TPHCM vẫn duy trì một số tiêu chí nhất định dựa vào Bộ chỉ số đánh giả rủi ro do thành phố ban hành nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong công nhân lao động (CNLĐ). Bởi lẽ, muốn duy trì ổn định sản xuất thì việc trước tiên là phải bảo vệ an toàn cho CNLĐ.

Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty (Cty) Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM) - cho hay, hiện Cty vẫn duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 theo chỉ đạo của thành phố. Hằng ngày, Cty đều đo thân nhiệt cho CN và người đến Cty liên hệ công tác trước khi vào làm việc. CN được yêu cầu rửa tay bằng nước diệt khuẩn thường xuyên và luôn đeo khẩu trang trong khi làm việc.

Tương tự, tại Công ty PouYuen, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty - nói rằng, Cty cũng vẫn duy trì nhiều biện pháp bảo đảm sức khỏe cho CN, phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam, ngoài việc duy trì thực hiện phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, CĐCS đã phối hợp với Cty tái lập chế độ tuần tra kiểm tra phòng chống dịch trong nội bộ Cty. Theo đó, Cty cắt cử người chia ca đi kiểm tra việc phòng chống dịch của NLĐ, nếu ai vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, ghi mã nhân viên, lần hai sẽ được phát một thẻ ghi nhận sai phạm, nếu ai bị 4 thẻ thì sẽ bị đưa ra xét kỷ luật. 

Ông Nguyễn Thái Thành - Phó Chủ tịch CĐ các KCX-CN TPHCM - cho biết, CĐ các KCX-CN cũng đã triển khai đến các CĐCS tăng cường nhắc nhở đoàn viên, CNLĐ tự bảo vệ sức khỏe, tiếp tục tuân thủ đeo khẩu trang tại nơi công cộng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện kiểm tra thân nhiệt, thực hiện các biện pháp rửa tay khử thuẩn, thường xuyên khử trùng máy móc, trang thiết bị, khu vực lao động, làm việc, đảm bảo đủ khẩu trang khi làm việc, lao động, sản xuất. Sử dụng hệ thống loa phát thanh, các phương tiện trực quan tuyên truyền, thông báo thường xuyên, liên tục về các yêu cầu khuyến cáo, cảnh báo, hướng dẫn phòng chống, chống dịch COVID-19.

Công đoàn Dệt may Việt Nam: Quyết tâm không để người lao động nào mắc COVID-19

Ngày 5.8, Công đoàn Dệt may Việt Nam (CĐ DMVN) cho biết, hiện khu vực miền Trung có 22 đơn vị trực thuộc CĐ DMVN, trong đó có 4 đơn vị tại Đà Nẵng. Các CĐCS đang nỗ lực tăng cường những hoạt động và áp dụng các biện pháp triệt để nhằm phòng chống dịch, khởi động lại các biện pháp phòng dịch hiệu quả trong thời gian qua, tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn thời gian này; chú trọng việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tăng cường tuyên truyền để NLĐ cảm thông, chia sẻ khó khăn gắn bó cùng doanh nghiệp (DN), cố gắng giữ ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập, đời sống cho NLĐ, ổn định sản xuất của DN. Quyết tâm không để bất cứ NLĐ nào trong ngành bị lây dịch. Hải Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn