MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Cái Khoa - một người lao động tại Bình Dương bị mất việc năm 2022 được nhận quà của chương trình “Cùng nhau làm nên Tết” do Tổng LĐLĐVN phối hợp Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), Đoàn Thanh niên tổ chức. Ảnh: Đình Trọng

Đoàn viên bị mất việc, giảm giờ làm được hỗ trợ tới 3.000.000 đồng

Hà Anh LDO | 21/01/2023 06:00

Đoàn viên Công đoàn, người lao động (ĐVCĐ&NLĐ) bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn Việt Nam, người cao nhất tới 3.000.000 đồng.

Sử dụng nguồn tài chính công đoàn để hỗ trợ

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - đã ký Nghị quyết 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về việc hỗ trợ ĐVCĐ&NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN cho biết, từ tháng 9.2022 đến nay xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân mất việc. Trước tình hình trên, thực hiện Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16.12.2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thống nhất thực hiện các chính sách hỗ trợ ĐVCĐ&NLĐ.

Đây là tấm lòng của tổ chức Công đoàn Việt Nam dành cho ĐVCĐ&NLĐ khó khăn (bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động); tiếp thêm động lực để họ hướng đến năm 2023 có nhiều niềm vui hơn.

Kinh phí thực hiện hỗ trợ ĐVCĐ&NLĐ được chi từ nguồn tài chính của Công đoàn cấp trên cơ sở. Theo đó, Tổng LĐLĐVN giao Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện chi từ nguồn kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có; trường hợp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không cân đối được nguồn thì LĐLĐ tỉnh, thành phố. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN có số dư quỹ hoạt động thường xuyên tại cấp 2 và cấp 3 đến thời điểm chi hỗ trợ dưới 15 tỉ đồng, báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN xem xét hỗ trợ.

3 nhóm đối tượng được hỗ trợ

Theo Nghị quyết 06/NQ, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ hỗ trợ 3 nhóm đối tượng. Trong đó nhóm 1 là ĐVCĐ bị giảm giờ làm việc, ngừng việc: NLĐ là đoàn viên Công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hằng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên, trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động được hỗ trợ một lần với mức 1.000.000 đồng/người.

Nhóm 2 - ĐVCĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: NLĐ là ĐVCĐ có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân), tính từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 được hỗ trợ một lần với mức 2.000.000 đồng/người.

Nhóm 3 - ĐVCĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: NLĐ là ĐVCĐ chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023 (trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3.000.000 đồng/người.

Trình tự, thủ tục thực hiện

ĐVCĐ&NLĐ có nhu cầu hưởng hỗ trợ gửi hồ sơ đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc Công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động cư trú (thường trú hoặc tạm trú) hoặc nơi ĐVCĐ&NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động. 

Công đoàn nơi tiếp nhận hồ sơ của ĐVCĐ&NLĐ kiểm tra, hướng dẫn ĐVCĐ&NLĐ nộp hồ sơ theo Điều 18 Quy định này; lập biên bản nhận hồ sơ của ĐVCĐ&NLĐ.

Trong 5 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ của ĐVCĐ&NLĐ, Công đoàn tiếp nhận hồ sơ gửi hồ sơ tới Công đoàn cấp tỉnh nơi ĐVCĐ&NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động. 

Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chi hỗ trợ cho ĐVCĐ&NLĐ, công đoàn chi hỗ trợ lập danh sách ký nhận hỗ trợ của ĐVCĐ&NLĐ hoặc tập hợp chứng từ chứng minh đã chuyển tiền hỗ trợ cho ĐVCĐ&NLĐ (trường hợp ĐVCĐ&NLĐ không trực tiếp nhận tiền mặt) và lưu theo quy định.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31.3.2023. 

Mong chờ của người lao động bị mất việc, giãn việc 

Năm 2022, do công ty gặp khó khăn đơn hàng, anh Cái Khoa (33 tuổi, quê Quảng Trị) thuộc diện bị cắt giảm lao động, do đó thất nghiệp mấy tháng liền. Xa quê, phải đi ở trọ, lo cho con cái học tập trong khi thu nhập không có nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Khi biết được thông tin, ĐVCĐ&NLĐ, bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn Việt Nam, anh Cái Khoa rất phấn khởi.

Không bị thất nghiệp, nhưng trong năm 2022, công việc của anh Nguyễn Ngọc Trung (32 tuổi, quê Đồng Tháp, làm việc tại phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) lại bấp bênh. Anh Trung cho biết, có tháng thì làm đủ công, tháng giảm giờ làm thì thiếu công. Thu nhập giảm hẳn, chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng. 

“Tôi sẽ làm hồ sơ để đề nghị được nhận sự hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn” - anh Trung bày tỏ. ĐÌNH TRỌNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn