MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Toản - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Hà Anh

Đoàn viên, người lao động có hơn 2,889 triệu sáng kiến, làm lợi khoảng 163.724 tỉ đồng

Hà Anh (thực hiện) LDO | 30/11/2023 14:50

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn Việt Nam phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Toản - Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN - cho biết:

- Việc Công đoàn Việt Nam phát động, triển khai các phong trào thi đua có đổi mới, đặc biệt là công tác đôn đốc, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chất lượng sản phẩm, sáng kiến. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” thành nòng cốt trong các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn, được các cấp công đoàn cụ thể hóa sát với thực tiễn trong tình hình mới.

Giai đoạn 2018-2023, CNVCLĐ cả nước đã có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỉ đồng, Tổng LĐLĐVN đã tặng thưởng 5.233 Bằng Lao động sáng tạo.

Đặc biệt, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngày 15.12.2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (Chương trình).

Chương trình được xác định là nội dung trọng tâm thi đua chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023).

Đây cũng là lần đầu tiên, Tổng LĐLĐVN phát động đợt thi đua kéo dài trong 2 năm (2022-2023). Các cấp công đoàn cả nước đã chủ động, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện; CNVCLĐ đã tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần vào thành công của Chương trình.

Tính đến 24h ngày 31.8.2023, đã có 2.409.104 sáng kiến gửi tham gia Chương trình, trong đó có 2.033.669 sáng kiến hợp lệ được phê duyệt (đạt 203% chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Theo thống kê của hệ thống phần mềm trực tuyến, tổng giá trị làm lợi của sáng kiến ước tính hơn 33.000 tỉ đồng.

Ông có thể cho biết, một số ưu điểm khi thực hiện Chương trình?

- Chương trình đã tạo được phong trào thi đua sâu rộng, được đông đảo CNVCLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, khẳng định là giải pháp hiệu quả cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chung tay góp phần kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, nâng cao vị thế, vai trò của đoàn viên, người lao động Việt Nam thông qua việc phát huy sáng kiến, sáng tạo; khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, vai trò tiên phong, sáng tạo của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Việc triển khai phần mềm trực tuyến của Chương trình tiếp tục là giải pháp hiệu quả nhằm đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua, có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, hướng về cơ sở, đoàn viên trực tiếp tham gia và công khai, minh bạch về kết quả.

Để các phong trào thi đua yêu nước do Công đoàn phát động đạt hiệu quả cao, các cấp công đoàn cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

- Các cấp công đoàn cần đổi mới trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, người lao động, thúc đẩy sự tự nguyện, tự giác của CNVCLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước; có phương thức phù hợp, linh hoạt với từng đối tượng tiếp cận thông tin.

Tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở, thẩm thấu đến số đông đoàn viên, người lao động, xác định rõ chủ đề, nội dung và biện pháp tổ chức thực hiện. Tiêu chí đánh giá thi đua phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu của từng ngành, địa phương, doanh nghiệp. Gắn sản phẩm thi đua với việc thúc đẩy năng suất lao động, hiệu suất công tác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Linh hoạt áp dụng các hình thức khen phù hợp với từng đối tượng mới có tác dụng động viên, khích lệ; việc khen thưởng phải hài hòa giữa khen vật chất và động viên tinh thần.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi đua, hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch trong thi đua, tạo động lực cạnh tranh công bằng giữa các đối tượng tham gia thi đua...

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn