MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Bảo Hân

Đoàn viên, người lao động nêu điểm chưa hợp lý về tuổi nghỉ hưu

Quế Chi LDO | 10/10/2023 12:26

Việc thực hiện tuổi hưởng lương hưu theo tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 (tăng dần theo lộ trình đến mốc nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) đối với người lao động trong các loại hình công việc khác nhau được xem là chưa hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh - nêu lên vấn đề trên khi trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động trong tỉnh với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn tại Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động đang đồng nhất tuổi nghỉ hưu với tuổi hưởng chế độ hưu trí; đồng thời cùng đồng nhất quy định điều kiện về tuổi hưởng chế độ hưu trí giữa người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính- sự nghiệp với người lao động trong các doanh nghiệp; giữa cán bộ công chức với viên chức trong các cơ sở giáo dục; giữa địa bàn thuận lợi và khu vực miền núi, biên giới, hải đảo...

“Trong khi thực tế, điều kiện lao động của người lao động làm việc ở các vị trí thì cường độ, mức độ nặng nhọc khác nhau. Việc thực hiện tuổi hưởng lương hưu theo tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ Luật Lao động (tăng dần theo lộ trình đến mốc nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi) đối với người lao động trong các loại hình công việc khác nhau rất bất hợp lý; đa số người lao động sẽ không thể làm việc đến khi tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ trước tuổi và bị trừ tỷ lệ lương hưu (mỗi năm bị trừ 2%) gây thiệt thòi lớn cho người lao động” – bà Ngọc nói.

Vì vậy, theo bà Ngọc, đoàn viên, người lao động trong tỉnh đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét, sửa đổi luật theo hướng hợp lý cho từng nhóm đối tượng công chức, viên chức, lao động trực tiếp trong khối hành chính- sự nghiệp với nhóm đối tượng người lao động khối sản xuất- kinh doanh. Qua tổng hợp đã ghi nhận nhiều ý kiến về giờ làm việc của người lao động. Hiện nay, giờ làm việc của công nhân lao động phổ biến là từ thứ 2 đến thứ 7 (6 ngày/tuần; 48 giờ/tuần). Đoàn viên, người lao động đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật theo hướng giảm giờ làm (tiêu chuẩn) cho công nhân lao động xuống còn 40 - 44 giờ/tuần.

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: Quế Chi

Ngoài ra, đoàn viên, người lao động tỉnh Bắc Ninh đề nghị Trung ương sớm có phương án giải quyết bất cập về biên chế Công đoàn chuyên trách một số tỉnh, thành phố; đồng thời ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn có kinh nghiệm hoạt động Công đoàn, trưởng thành từ cơ sở nhất là cán bộ làm công tác đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, nhằm thu hút, tạo động lực cho cán bộ Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Cùng với đó đề nghị Trung ương sớm bổ sung biên chế công đoàn cho các tỉnh có số lượng công nhân đông, trong đó có Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh; đồng thời cho phép tổ chức công đoàn ngoài số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, được phép ký hợp đồng lao động để làm nhiệm vụ thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động như luật sư, tư vấn viên, cán bộ chuyên trách ở công đoàn cơ sở có số lượng công nhân lao động đông.

Ngoài ra, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu ban hành cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở khi tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên.

Đoàn viên, người lao động còn nêu nhiều ý kiến đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn