MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu biển nhân tạo của Công ty Cổ phần Ô tô Bảo Toàn Bạc Liêu vắng vẻ trong dịch COVID-19 (ảnh Nhật Hồ)

Doanh nghiệp chật vật giữ công nhân thời COVID-19

NHẬT HỒ LDO | 08/09/2020 17:55
Hàng loạt doanh nghiệp đang gồng mình cầm cự sản xuất, kinh doanh vượt qua đại dịch COVID-19. Dù rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ chân công nhân bởi hơn ai hết họ biết rằng cho công nhân nghỉ việc trong lúc này là đẩy họ vào khó khăn.

Cầm cự hoạt động, giữ chân công nhân

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, ăn uống, Công ty Cổ phần ô tô Bảo Toàn Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn trước đại dịch COVID-19. Lượng khách ít, doanh thu giảm, hoạt động cầm chừng là điều không tránh khỏi.

Ông Ngô Xuân Pha, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Bảo Toàn thừa nhận: “Khó khăn lắm. Các anh biết rồi đó, khách đến rất ít nên chúng tôi gặp vô cùng khó khăn. Thời gian này, chúng tôi tu sửa lại đợi chờ hết dịch hi vọng kinh doanh tốt hơn”.

Ông Ngô Xuân Pha, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Ô tô Bảo Toàn kiến nghị nên hỗ trợ cho NLĐ (ảnh Nhật Hồ)

Bảo Toàn ô tô sở hữu khu du lịch, nghỉ dưỡng vào loại đẹp nhất Bạc Liêu. Do ảnh hưởng chung của tình hình đại dịch nên cũng rơi vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Pha, công ty không cho nghỉ bất cứ công nhân nào trong tổng số gần 120 người lao động tại doanh nghiệp.

Để có tiền trả lương, duy trì hoạt động, tự thân doanh nghiệp xoay sở bằng nhiều con đường khác nhau. “Mình mượn bạn bè, tiết giảm chi phí, lấy tiền nhà trả lương anh em. Bởi, nếu cho họ nghỉ lúc này khác nào đẩy họ vào con đường khó khăn, khốn khổ. Mình còn làm được, còn giữ được ngày nào hay ngày đó, còn họ có cả gia đình, vợ con nữa” – ông Ngô Xuân Pha chia sẻ.

Tại doanh nghiệp Cẩm Quyền, đơn vị sở hữu hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn tại Bạc Liêu, cũng kinh doanh thêm bán cơm trưa văn phòng, cà phê, ăn sáng… để có thu nhập trả lương cho hơn 30 người lao động.

Tại Khu du lịch Hồ Nam (phường 1, Thành phố Bạc Liêu) doanh nghiệp cũng chật vật duy trì hoạt động để giữ người lao động.

Chính sách hỗ trợ không thiếu, nhưng…

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19 như: Ưu đãi vốn vay để trả lương công nhân, giảm thuế, hỗ trợ người lao động sản xuất trực tiếp, hỗ trợ bảo hiểm xã hội… Bạc Liêu cũng triển khai các chính sách này đến các sở, ngành và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay gói hỗ trợ 62.000 tỉ vẫn chưa đến được người lao động.

Kinh doanh khó khăn, chủ Nhà hàng, Khách sạn này mở thêm cơm văn phòng, cafe để có thu nhập giữ chân NLĐ (ảnh Nhật Hồ)

Ông Ngô Xuân Pha cho biết: Đến nay doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ nào ngoại trừ giãn thuế. “Chúng tôi không đòi quyền lợi cho mình, nhưng người lao động rất khó khăn cần được hỗ trợ. Tất cả người lao động của chúng tôi đã trả lương qua ATM, nếu có hỗ trợ chúng tôi sẵn sàng cung cấp số tài khoản để người lao động nhận trực tiếp chứ không cần thông qua doanh nghiệp” - ông Pha nhấn mạnh.

Đại dịch COVID-19 được dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ sẽ còn gặp khó khăn. Họ đã cố gồng mình để duy trì lượng công nhân ổn định. Đừng để họ tự bơi giữa vòng vây đại dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn