MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp đầu tư vào huyện Cư Kuin, tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: Phan Tuấn

Doanh nghiệp đầu tư về vùng quê, công nhân không phải ly hương

Phan Tuấn LDO | 02/09/2022 19:42
Nhờ làm tốt chính sách thu hút đầu tư nên nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng về các vùng quê ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk để xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất. Người dân địa phương vô cùng phấn khởi bởi không cần phải ly hương, họ chỉ cần... bước chân ra ngõ là có việc làm ngay.

Doanh nghiệp về quê mở rộng sản xuất

Đầu năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, ông Nguyễn Minh Trọng (quê ở huyện Cư Kuin), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nga Việt ở thành phố Hồ Chí Minh quyết định trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mở một công ty may mặc, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Theo ông Trọng, nếu phải thuê đất, xây dựng nhà xưởng thì mất một thời gian dài nữa công ty mới có thể đi vào hoạt động. Thuận lợi đầu tiên của công ty là có đề án phát triển rõ ràng nên được huyện Cư Kuin tạo điều kiện cho mượn trụ sở Trung tâm dạy nghề cũ để hoạt động.

Thời điểm ban đầu, do thiếu nhân công lao động có tay nghề nên công ty chỉ đầu tư quy mô 2 dây chuyền sản xuất, giải quyết việc làm cho 100 lao động. “Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, công ty đã vượt qua được giai đoạn đầu khó khăn và đang dần đi đúng hướng, phát triển ổn định”, ông Trọng chia sẻ.

Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, nhận thấy có nhiều tiềm năng nên công ty đã mở rộng quy mô lên thành 4 dây chuyền sản xuất, thu hút thêm nhiều nhân công lao động ở các vùng quê. Hiện công ty đã tạo công ăn, việc làm cho khoảng 200 lao động tại địa phương và đang có nhiều phương án tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. 

Dân ra ngõ là có việc

Trò chuyện với chúng tôi, chị H’Uit Byă (44 tuổi), trú tại buôn Kpung, xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin không giấu nổi niềm vui khi được công ty đào tạo nghề và nhận vào làm công nhân trong xưởng may mặc.

Chị H’Uit Byă cho biết, gia đình chị làm nông từ nhiều đời nay. Lớn lên chị cũng muốn tìm việc làm nhưng ở địa phương không có doanh nghiệp nào phù hợp. Khi Công ty TNHH Đầu tư Nga Việt Đắk Lắk thành lập, tuyển công nhân chị đã nộp đơn xin ứng tuyển.

“Tôi bắt đầu nghề may với con số 0 bởi bản thân chưa hề hay biết gì. Tuy nhiên, trong công ty đồng nghiệp rất hoà đồng, giúp đỡ tôi làm quen với công việc. Vừa có công việc ở gần nhà, vừa gia tăng thu nhập tôi rất vui”, chị H’Uit Byă tâm sự.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị H’Det Byă, trú tại Buôn Khít, xã Ea Buôk, huyện Cư Kuin làm công nhân tại Đồng Nai đã trở về địa phương sinh sống. Theo chị H’Det, làm việc tại Đồng Nai, chị có mức thu nhập cao hơn ở địa phương nhưng sau khi trừ tiền thuê nhà trọ và chi phí sinh hoạt, số tiền dành dụm lại không được là bao.

Trở về địa phương, chị H’Det biết tin Công ty Nga Việt Đắk Lắk tuyển dụng công nhân may nên đã nộp hồ sơ và trúng tuyển. Hiện nay, cả hai vợ chồng chị H’Det đều là công nhân may tại công ty với mức thu nhập tương đối khá và ổn định.

Chị Det kể: “Lúc trước, hai vợ chồng đi làm xa phải mang theo hai con. Thế nên, gia đình có 4 người sống trong phòng trọ chật hẹp. Giờ đây vừa được ở nhà, con cái có ông bà trông coi, vừa có việc làm thu nhập khá. Hai vợ chồng chúng tôi rất vui, chỉ mong công ty ổn định sản xuất, không ngừng phát triển để tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân địa phương chúng tôi”, chị H’Det tâm sự.

Theo ông Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, năm 2021, địa phương từng là tâm dịch COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk nên nhiều người dân rơi vào tình cảnh khó khăn. 

Trong công tác phòng, chống, dịch COVID-19, Huyện ủy Cư Kuin đã sát sao lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, chính quyền các xã lập 504 tổ phòng, chống dịch trong cộng đồng. Chính sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao này nên sau một thời gian ngắn tất cả các địa phương trên địa bàn huyện đã trở lại trạng thái bình thường mới.

“Đặc biệt, để chăm lo cho đời sống của người dân địa phương, huyện Cư Kuin cũng đang tập trung thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhiều NLĐ không bị ảnh hưởng” - ông Dũng khẳng định.

Theo Huyện ủy Cư Kuin, năm 2019, toàn huyện có 136 doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.500 người. Trải qua mấy năm dịch bệnh, khó khăn nhưng nhờ làm tốt công tác thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nên đến nay toàn huyện đã tăng lên là 200 doanh nghiệp và đã có thêm hàng trăm người dân tìm được việc làm ổn định ở gần nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn