MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình chia nhỏ phân xưởng của Công ty TNHH may Việt Thành (Cần Thơ). Ảnh: M.Ánh

Doanh nghiệp duy trì 30% mô hình 3 tại chỗ để sản xuất an toàn

MINH ÁNH LDO | 19/11/2021 07:30
Sau khi áp dụng quy định chống dịch mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương mở cửa. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp rục rịch tái hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, việc phải tạm dừng hoạt động một thời gian dài, hoặc giảm quy mô sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ”... đã khiến nhiều doanh nghiệp  tại Đồng bằng sông Cửu Long hết sức khó khăn...

Thách thức ngày trở lại

Tại An Giang, chỉ sau thời gian tái hoạt động, Công ty TNHH An Giang Samho (Khu Công nghiệp Bình Hòa) đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất do phát hiện nhiều ca mắc COVID-19. Cụ thể, chỉ trong 3 ngày (12 - 14.11) đã phát hiện 88 trường hợp mắc COVID-19. Ngay sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm phức tạp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ký quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất để công ty thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 7.11, tại Cần Thơ cũng ghi nhận một ổ dịch liên quan đến công nhân Công ty chế biến Thuỷ sản B.Đ (khu công nghiệp Trà Nóc, quận Ô Môn). Tại Sóc Trăng, đầu tháng 10, tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản Út Xi (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) bùng phát ổ dịch.

Không chỉ đối mặt với những thách thức của đợt dịch mới, các doanh nghiệp ĐBSCL còn đối mặt với việc thiếu hụt lao động, khả năng phục hồi lao động kém.

Trao đổi với Lao Động, bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nhận định, so sánh với cùng kỳ quý III năm 2020 - một năm đầy sóng gió với đại dịch COVID-19, ĐBSCL có 4 tỉnh là Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang và Tiền Giang là một trong những tỉnh có phục hồi trong chỉ số sử dụng lao động trong công nghiệp dưới 60%. “Đây là khó khăn chung cho các doanh nghiệp và cả người lao động” - bà Hương chia sẻ. 

Bên cạnh đó, một nghịch lý khác mà bà Hương đề cập đến đó là do kinh tế ĐBSCL hội nhập quá sâu.

“Nguồn nhiên liệu cũng như thị trường xung quanh chúng ta đang gây ra sự gia tăng về chi phí logistic. Một số tình huống chúng ta thấy gần đây các doanh nghiệp phải đối mặt đó là đình đốn sản xuất tạm thời” - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định đây là một trong những rủi ro mà doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị.

Theo báo cáo mới đây của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tăng 23,7%; 4.557 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 58,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL gia tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định, trong thời gian tới doanh nghiệp tại ĐBSCL sẽ phải đối mặt với nhiều hệ luỵ như nền kinh tế phải có sự phục hồi chậm, hàng hoá sản xuất sẽ tiêu thụ trong tình trạng chậm hơn.

Bà Hương lý giải: “Do nền kinh tế của chúng ta hội nhập rất sâu đối với nền kinh tế thế giới nên các chính sách phục hồi tiền tệ, tài khoá của Chính phủ cũng khó tạo nên sức bật toàn phần”. 

Doanh nghiệp tìm cách sản xuất an toàn

Trở lại hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ chủ động đưa ra phương án, kế hoạch để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, đảm bảo vẫn cung ứng đủ hàng hóa nhưng phải an toàn.

Ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Giám đốc công ty TNHH May Việt Thành - chia sẻ: “Hiện nay hàng may đến Tết Âm lịch của công ty đã được cung ứng đầy đủ. Người lao động cũng đã quay trở lại làm việc hơn 90%, tinh thần của công nhân cũng phấn chấn hơn”.

Hoạt động trở lại, các doanh nghiệp may tại Cần Thơ đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch mới như chia nhỏ phân xưởng, duy trì 30% mô hình 3 tại chỗ.

Công ty CP may Tây Đô hiện đang áp dụng mô hình chia nhỏ phân xưởng. Ông Ngô Văn Chơn - Giám đốc điều hành Công ty CP may Tây Đô - cho biết: “Công ty chia nhỏ phân xưởng thành các cụm để dễ dàng quản lý hơn về việc ăn uống, xét nghiệm cho công nhân. Nếu có vấn đề xảy ra, việc truy vết sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn”.

Cũng cùng phương pháp chia nhỏ phân xưởng, cụm nhóm nhỏ nhất tại Công ty may Việt Thành gồm có 4 người. Hiện công ty này duy trì 30% lao động ở tại công ty hoặc ở tại khách sạn. “Còn lại 70% công nhân có nhu cầu về nhà, công ty cũng chủ động khuyến cáo, nhắc nhở người lao động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”.

Đại dịch COVID-19 như một “phép thử” đối với các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong nước, tuy nhiên, nhìn về phía tích cực thì “biến cố dịch bệnh” cũng giúp cho các doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm lên các phương án sản xuất phù hợp. Như Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng đã khẳng định, chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn tâm lý Zero COVID, tức là sống chung với dịch bệnh nhưng phải an toàn. 

Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Thị Thu Hương cho rằng, “Những doanh nghiệp có rủi ro lớn trong bối cảnh đại dịch là ngành đông lạnh, vì vậy những doanh nghiệp này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khi có rủi ro xảy ra thì họ sẽ có phương án phản ứng nhanh, bảo vệ người lao động và bảo vệ uy tín của doanh nghiệp trên thị trường”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn