MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu công nghiệp Biên Hoà 1 nằm ven sông Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Doanh nghiệp gặp khó khi di dời KCN Biên Hòa 1

HÀ ANH CHIẾN LDO | 02/04/2024 10:14

Nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, gặp nhiều khó khăn khi phải di dời tới nơi mới. Đặc biệt, với lao động đã lớn tuổi, việc phải di dời tới nơi làm việc mới cách xa hàng chục kilômét là rất khó khăn.

Khó chồng khó

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án di dời KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Không ít doanh nghiệp chia sẻ gặp nhiều khó khăn khi di dời.

Tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hợp tác xã năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức vào ngày 28.3, đại diện Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1, phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, đơn vị gặp nhiều vướng mắc khi di dời khỏi nơi sản xuất hiện tại. Theo vị này, sau khi nắm bắt được chủ trương chính sách của tỉnh Đồng Nai, từ năm 2018 đơn vị đã tiến hành thuê đất KCN ở huyện Nhơn Trạch vì nhận định “sớm muộn gì cũng phải di dời”. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% sản phẩm là tận dụng di dời được. Còn ở địa điểm mới phải đầu tư xây dựng mới hoàn toàn với công suất gấp đôi trong khi nhu cầu thị trường hiện nay không đổi, điều này sẽ trở nên hao phí.

Đại diện này còn cho biết, theo lộ trình di dời của công ty, sau khi đã thuê được địa điểm mới còn phải xây dựng một bộ máy làm việc mới khiến nhân sự tăng lên, sau đó mới tiến hành di dời và hợp nhất. Hiện doanh nghiệp chưa giải được bài toán khó này.

Ngoài ra, còn các vấn đề khó khăn khác, như phải vay tiền ngân hàng để đầu tư, hay là hàng trăm lao động đã làm việc, sinh sống ở TP Biên Hòa phải chuyển lên làm việc ở huyện Nhơn Trạch cách xa hàng chục kilômét. “Nhiều người lao động đã lớn tuổi, có cuộc sống an cư ở TP Biên Hòa nên khó đi theo đến nơi mới. Nhưng nếu không đưa được lao động theo, công ty phải xây dựng bộ máy quản lý mới, tuyển và đào tạo lại nhân lực mất nhiều thời gian” - đại diện này cho biết thêm.

Các sở, ngành đang xây dựng khung, cơ chế cho đề án

Hiện KCN Biên Hòa 1 ở TP Biên Hòa có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng, trong đó có 6 doanh nghiệp FDI và 70 doanh nghiệp Nhà nước. Tổng số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người. Trong đó, số người lao động làm việc cho các doanh nghiệp FDI hơn 6.000 người, số lao động làm việc cho các doanh nghiệp Việt Nam hơn 15.000 người.

Ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai - cho biết, về việc di dời KCN Biên Hòa 1 - các doanh nghiệp trong KCN đã có nhiều kiến nghị, chủ yếu liên quan vấn đề các chính sách đi theo khi di dời. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đánh giá KCN Biên Hòa 1 đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử về quy hoạch KCN, chuyển sang trang mới phát triển đô thị thương mại dịch vụ.

Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án và giao các sở ngành liên quan xây dựng được khung chính sách và cơ chế đi theo, như hỗ trợ người lao động tại các nhà máy, chi phí liên quan hỗ trợ di dời, chính sách đào tạo lao động, hay những cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài phải đàm phán thương thảo để không xung đột về pháp luật… “Các chính sách cơ chế liên quan đi theo cần phải nghiên cứu, thậm chí xin ý kiến bộ, ngành Trung ương” - ông Hạ cho biết thêm.

Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường nhằm thay đổi diện mạo kiến trúc TP Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai.

KCN Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành KCN Biên Hòa 1. Tháng 5.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật KCN Biên Hòa 1, trong đó quy định KCN Biên Hòa 1 được tổ chức và hoạt động theo quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn