MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp gặp khó khi tổ chức đối thoại với người lao động

Minh Tâm LDO | 23/05/2024 17:18

TPHCM - Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” diễn ra trong ngày 23.5, một số đại diện công đoàn cơ sở thuộc các doanh nghiệp ở các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) tại TPHCM bày tỏ về khó khăn trong vấn để tổ chức đối thoại với người lao động.

Ngày 23.5, Ban Quản lí các KCX và CN TPHCM phối hợp với Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện công đoàn cơ sở của một đơn vị thuộc khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) cho biết, từ sau thời điểm dịch COVID-19, đơn vị này không tổ chức đối thoại với người lao động.

“Chính việc không tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người lao động trong công ty nên đã dẫn đến chuyện ngừng việc tập thể diễn ra vào hồi tháng 2.2023” - đại diện một công đoàn cơ sở nói và cho biết, việc tổ chức đối thoại với người lao động để lắng nghe và giải quyết phản ánh từ cơ sở là rất quan trọng.

Đại diện công đoàn cơ sở phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Tâm

Anh Đoàn Kim Luân - đại diện một công ty gỗ ở khu chế xuất Linh Trung 2 - cho rằng, đơn vị mình cũng gặp khó khi tổ chức đối thoại với người lao động. Theo anh Luân, sự khác biệt về văn hóa, trình độ học vấn giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng nhất khi đối thoại.

“Mỗi khi đưa ra ý kiến chung cùng nhau đối thoại với ban giám đốc thì cả hai bên không có tiếng nói chung. Cũng từ đó, người lao động chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và đối thoại định kỳ” - anh Luân nói.

Cũng tại tọa đàm, Ban Quản lí các KCX và KCN TPHCM đã báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động khu chế xuất - khu công nghiệp trong năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Trưởng phòng Quản lí Lao động thuộc Ban Quản lí, thông tin trong năm 2023, đã xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp thuộc KCX Tân Thuận, KCN Bình Chiểu, KCN Tân Thới Hiệp với 1.380 lao động tham gia/3.967 tổng số lao động (giảm 4 vụ so với năm 2022).

Ban Quản lí các KCX và CN TPHCM phối hợp với Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” hôm 23.5. Ảnh: Minh Tâm

“Nguyên nhân liên quan đến lương, thưởng Tết, phương án giảm lao động. Các trường hợp này thường không thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại khi có vụ việc” - bà Liên nói.

Đồng thời, bà Liên cũng cho hay, qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong thời gian qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp có thực hiện các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đầy đủ và còn mang tính hình thức.

Vì lẽ đó, phía Ban quản lí các KCX và KCN hy vọng thời gian tới, các đơn vị doanh nghiệp tích cực gửi báo cáo tình hình cơ sở mình về cho Ban quản lí các khu tiện nắm bắt và theo dõi kịp thời.

Tại 17 KCX và KCN thành phố hiện có 1.521 dự án đang hoạt động, gồm 519 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 1.002 dự án có vốn đầu tư trong nước.

Tổng số lao động làm việc trong các KCX, KCN là 252.129 người, trong đó lao động nữ là 139.200 người (chiếm 55,2%), lao động ở tỉnh là 164.388 người (chiếm 65,2%). Doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động có 161 doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn