MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năng suất lao động của Việt Nam và một số nước châu Á năm 2020. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Doanh nghiệp giữ người trình độ cao, thay thế lao động trình độ thấp

LƯƠNG HẠNH LDO | 03/05/2023 09:53

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, khi phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp; lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại. 

46% lao động làm các công việc kĩ năng giản đơn

Theo Báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” của Tổng cục Thống kê, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để năng suất lao động có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. 

Khảo sát thực trạng và nhu cầu kĩ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021- 2023 (do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH thực hiện) cho thấy, gần nửa số lao động (46%) trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kĩ năng giản đơn và tỉ lệ này đặc biệt cao trong các ngành lắp ráp ôtô, xe máy, may mặc và điện tử.

Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kĩ năng trung bình và kĩ năng thấp. Điều đáng nói, chỉ 5% người lao động có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc và chỉ có 11,67% người lao động có tay nghề kĩ năng, chuyên môn cao.

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) Ingrid Christensen cho rằng, cần có giải pháp cải thiện kĩ năng, tay nghề của người lao động. “Hiện nay, gần 30% lực lượng lao động Việt Nam có bằng cấp được công nhận. Việt Nam đã nỗ lực trong vấn đề đào tạo nghề, phát triển kĩ năng cho người lao động. Muốn nâng cao năng suất lao động, cần có những cải thiện vận hành trong các doanh nghiệp...” - bà Ingrid Christensen nói.

Công nghệ cao thì lao động phải được đào tạo 

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động cắt giảm lao động không phải liên quan đến vấn đề tay nghề của người lao động mà do bị thiếu đơn hàng. Song, khi phải cắt giảm lao động, bà Ngân thừa nhận việc doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.

“Từ thực tế này, bản thân người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Không chỉ người lao động, cơ quan quản lí nhà nước, các đơn vị đào tạo, cả người sử dụng lao động cũng phải thấy rằng, vấn đề đào tạo cho người lao động là trách nhiệm” - bà Ngân khẳng định.

Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, có những máy móc, công nghệ, lao động phải qua đào tạo mới có thể sử dụng thành thạo trong nhà máy. Ở đây thấy được trách nhiệm đào tạo ngắn hạn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với những yêu cầu chuyên môn cao như đáp ứng chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ cao thì lao động phải được đào tạo dài hạn. Lúc này, cơ quan quản lí nhà nước, trung tâm đào tạo cần tăng cường hơn nữa trong việc đào tạo lâu dài. 

Theo bà Ngân, bên cạnh kĩ năng, tay nghề, có nhiều yếu tố khác tác động đến năng suất lao động, như việc ứng dụng công nghệ thông tin, dây chuyền sản xuất kĩ thuật cao... 

“Chính vì vậy, không thể để toàn bộ năng suất lao động phụ thuộc vào tay nghề của người lao động, mà phải phụ thuộc vào các yếu tố như đầu tư, tổ chức, quản lí sắp xếp dây chuyền, quản lí người lao động ở các doanh nghiệp” - bà Ngân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn