MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may ở TPHCM đang rơi vào tình trạng ít đơn hàng khiến thu nhập của công nhân bị giảm sút. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp ít đơn hàng, công nhân lo giảm thu nhập

Nam Dương LDO | 08/08/2022 07:56
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày ở khu vực TPHCM đang ít đơn hàng khiến cho công nhân lo lắng vì bị giảm thu nhập.

Công nhân ít việc, giảm sâu thu nhập

Từ vài tháng nay, chị Lê Thị Dứt, CN Cty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP.Thủ Đức, TPHCM) cảm thấy rất lo lắng.

Nỗi lo lắng của chị Dứt là hoàn toàn có thể thấu hiểu bởi sau khi chồng chị mất vì COVID-19 giữa tháng 1.2022, gánh nặng gia đình một mình chị phải cáng đáng.

Giọng rầu rĩ, chị Dứt kể, trước đây vợ chồng chị làm chung Cty, 1 tháng thu nhập khoảng 25 - 26 triệu đồng, đủ chi phí cho gia đình dù phải đi thuê nhà trọ và gửi tiền về quê để nhờ ông bà chăm cho 2 con nhỏ 9 và 5 tuổi.

Sau khi chồng mất, chị nhủ sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để kiếm tiền bù đắp một phần cho khoản tiền lương của chồng trước đây để nuôi 2 con. Thế nhưng, tình hình lại bi quan hơn khi đơn hàng của Cty ít đi.

Chị Dứt cho biết, trước đây, kể cả tiền làm thêm giờ, mỗi tháng thu nhập của chị cũng được 12-13 triệu đồng. Nay đơn hàng ít, Cty không tổ chức tăng ca nhiều nên thu nhập chỉ còn khoảng 9 triệu đồng. “Với số tiền này, tôi phải hết sức tằn tiện, tính toán chi li để duy trì cho cuộc sống của 3 mẹ con” - chị Dứt bày tỏ.

Còn chị T.H, nhân viên một Cty có khoảng 10.000 lao động ở huyện Củ Chi, TPHCM cũng cho biết, mấy tháng nay đơn hàng của Cty ít. Trước đây, đơn hàng dồi dào, Cty tổ chức tăng ca khoảng 30 giờ/tháng. Vài tháng nay, chị H chỉ còn làm 8 giờ/ngày, không có tăng ca nên thu nhập chỉ 7 triệu đồng/tháng. “Trước đây có lẽ do cần lao động, CN có vi phạm gì thì Cty chỉ nhắc nhở. Bây giờ, nếu vi phạm Cty sẵn sàng cho nghỉ việc, có lẽ là do ít đơn hàng. Chúng tôi thực sự lo lắng vì con cái sắp vào năm học mới, nhu cầu chi tiêu nhiều hơn bình thường” - chị T.H bày tỏ.

Cán bộ Công đoàn trăn trở

Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch CĐ Cty Việt Nam Samho - cho biết, vài tháng nay, đơn hàng của Cty giảm khoảng 20%, nhưng vẫn bảo đảm được việc làm cho CN. Tuy nhiên, do ít đơn hàng nên CN phải giảm giờ tăng ca nên cũng ảnh hưởng thu nhập.

Tương tự, ông Huỳnh Văn Chơi - Chủ tịch CĐ Cty CP Việt Hưng - cho biết, so với đầu năm 2022, tình hình đơn hàng của Cty hiện chỉ bằng 70% - 80%. Lý do là do khó khăn từ nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc không có đủ, nên không có đầu ra.

“Hiện nay, CN chỉ đi làm 8 giờ/ngày, chứ không phải tăng ca như trước nên thu nhập giảm khoảng 20%” - ông Chơi cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch CĐ Dệt may phụ trách phía Nam - thông tin thêm hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phía Nam đang rơi vào tình trạng ít đơn hàng, nên chắc chắn ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của CN.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty PouYuen Việt Nam - cho biết, trong tháng 5, 6 Cty có ít đơn hàng, CN không phải tăng ca, nên thu nhập có giảm bớt.

Theo ông Nghiệp có lẽ là do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, dẫn đến lạm phát ở nhiều nước Châu Âu và Mỹ, cho nên người dân các nước này thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, trong tháng 7.2022, đơn hàng đã dồi dào trở lại, có thể để chuẩn bị hàng cho mùa Noel và Tết Dương lịch 2023 tới đây nên hiện nay CN ngoài giờ làm bình thường có tăng ca, thu nhập ổn định hơn.

Bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐ Cty Nissei Electric Việt Nam - cho biết, tiền tăng ca chiếm 50 - 60% thu nhập của CN. Nếu CN tăng ca thì được Cty lo bữa ăn, nên cũng giảm được chi phí ăn và tiền điện, nước vì không sinh hoạt ở phòng trọ trong thời gian tăng ca.

Theo bà Vân, từ tháng 6.2022, Cty đã họp với CĐ và thông báo cho biết, đơn hàng sẽ ít trong tháng 5 và 6 nhưng Cty vẫn bảo đảm được doanh thu. Tuy nhiên, tình hình ít đơn hàng vẫn tiếp tục với khoảng 30% có thể kéo dài đến tháng 9.2022, do đó sẽ tác động đến việc làm, đời sống của CN.

“CN mới trải qua 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã gặp nhiều khó khăn, nay lại gặp tình trạng ít đơn hàng, nên đời sống càng khó khăn hơn” - bà Vân trăn trở nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn