MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại một doanh nghiệp ở TP Vinh (Nghệ An) ngừng việc tập thể đề nghị hỗ trợ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: QĐ

Doanh nghiệp “khát” lao động, công đoàn kiến nghị tỉnh hỗ trợ khẩn

QUANG ĐẠI LDO | 24/02/2022 07:12

Nghệ An – Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam kiến nghị UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có các giải pháp giữ chân, thu hút lao động.

Sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và công nhân lao động tại Nghệ An.

Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp hoạt động trong đó có 31 doanh nghiệp FDI; 101 doanh nghiệp trong nước; Có 9 doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên chủ yếu doanh nghiệp FDI.

LĐLĐ tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị liên tịch hướng dẫn chế độ đối với công nhân lao động là F0, F1. Ảnh: Thanh Tùng

Vào thời điểm trước Tết, có 34.786 lao động tại các khu kinh tế. Vào tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán, số lao động đi làm chỉ đạt 93%. Tuy nhiên, số lao động đi làm từ tuần thứ hai giảm xuống chỉ còn 50-60%, (có doanh nghiệp có ngày chỉ đạt 37% công nhân đi làm). Nguyên nhân do công nhân lo lắng, bất an về dịch bệnh và một số quy định của nhà nước về cách ly đối với F0, F1.

Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng, đứng trước nguy cơ phải dừng sản xuất kinh doanh do không đáp ứng các đơn hàng cho đối tác. Doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều chi phí để phun khử khuẩn, test COVID-19 cho công nhân, chi phí trả lương cho người lao động nghỉ việc cách ly…

Trước thực trạng nói trên, bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho biết cơ quan đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.

Cụ thể, Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành cần tập trung hỗ trợ khẩn cấp đồng hành cùng nhà đầu tư vượt qua dịch bệnh, xem đây là công tác thu hút đầu tư tại chỗ xứng đáng Nghệ An luôn là điểm sáng trong thu hút đầu tư, thu hút lực lượng lao động.

UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch thích ứng với tình hình mới khi F0 tăng cao, người lao động chủ yếu là F1. Nếu thực hiện cách ly đúng qui định của Bộ Y tế thì nhiều doanh nghiệp thiếu nhân lực trầm trọng.

Đồng thời, có các giải pháp để khuyến cáo điều chỉnh tăng lương cơ bản cho người lao động. Hiện nay mức lương, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nghệ An (đặc biệt là tại các doanh nghiệp FDI có sử dụng nhiều lao động) vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng, sinh hoạt phí của Nghệ An vẫn ở mức cao so với nhiều địa phương (Bình Dương, Đồng Nai…) nên chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút nguồn nhân lực và cũng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề bức xúc, phát sinh tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn