MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển dụng cao vào cuối năm như Hà Nội, Bắc Giang, TPHCM... Ảnh: Minh Phương

Doanh nghiệp khó tìm lao động trong khi nhu cầu tuyển dụng cao

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 23/10/2023 07:08

Dịp cuối năm khi các công ty có đơn hàng trở lại, các doanh nghiệp bắt đầu rục rịch tuyển thêm công nhân để kịp sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm việc tuyển lao động gặp nhiều khó khăn.

Khó tuyển lao động

Anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi) - chủ doanh nghiệp may mặc quy mô vừa tại Nam Định cho biết, giữa tháng 10, công ty mới ký được 2 đơn hàng mới. Tuy nhiên, anh Tuấn lại lo lắng vì thiếu nhân công làm, không kịp tiến độ giao khách.

“Tháng 7.2023 tôi phải để 40 công nhân nghỉ vì ít đơn hàng. Nay đơn hàng trở lại, tuyển cả tuần mới được 4 người vào làm việc. Thời điểm này lực lượng lao động không dồi dào như đợt đầu hoặc giữa năm” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, có hai nguyên nhân chính khiến người lao động không mặn mà việc đi làm nơi mới ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, họ sẽ cố gắng ở lại công ty cũ để nhận khoản thưởng Tết cao.

“Có những công ty thưởng Tết lên đến 2 tháng lương nên công nhân không muốn nghỉ” - anh Tuấn chia sẻ.

Thứ hai, theo anh Tuấn đợt vừa rồi ít việc nên không ít người lao động tại địa phương đã ra Thủ đô làm nghề tự do. Số ít khác thì bán hàng online hoặc kinh doanh riêng. “Bây giờ chế độ của công ty phải linh hoạt và nhiều đãi ngộ mới thu hút được người lao động quay trở lại công ty làm việc” - anh Tuấn nói.

Để kịp tiến độ sản xuất hàng giao cho khách, anh Tuấn đã phải tuyển người chưa có tay nghề về đào tạo.

Ngoài ra, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần anh vẫn thuê thêm đội lao động bên ngoài về hỗ trợ với chi phí cao.

Ít lao động ứng tuyển

Không chỉ lao động chân tay, với các vị trí tuyển dụng lao động trí óc cũng khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Hương Chanh (26 tuổi) - nhân viên nhân sự tại quận Nam Từ Liêm cho biết, gần Tết, nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng việc tuyển người chậm hơn so với trước.

“Nếu như đợt giữa năm, mỗi ngày tôi nhận được 5 bộ hồ sơ xin việc gửi đến, đầu năm cao điểm lên đến 7 bộ thì nay chỉ vỏn vẹn 1, 2 bộ, thậm chí có ngày còn không ai gửi hồ sơ ứng tuyển” - chị Chanh nói.

Chị Chanh cho biết, thời điểm này, các lao động ít có sự xê dịch, chuyển đổi nơi làm việc. Một mặt họ biết rõ nơi nào cũng có những ưu - nhược điểm riêng, mặt khác, chuyển nơi mới sẽ mất rất nhiều các khoản thưởng, đặc biệt là thưởng Tết.

“Như công ty tôi, làm việc từ 1 năm trở lên sẽ có thêm 1 ngày nghỉ phép. Thưởng Tết bằng một tháng lương thực tế bình quân. Bây giờ chuyển sang công ty mới đã mất 2 tháng thử việc, trong khi các công ty đều tính thưởng Tết dựa theo số tháng làm việc chính thức nên sẽ rất thấp” - chị Chanh nói.

Trước mắt, chị Chanh vẫn cố gắng tuyển dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu công ty, ưu tiên các vị trí kinh doanh, marketing. Theo nữ nhân viên, nếu không tuyển được, công ty sẽ tuyển cộng tác viên hoặc để nhân sự khác kiêm thêm công việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển dụng cao vào cuối năm như Hà Nội, Bắc Giang, TPHCM...

Số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, thường chiếm 90% tổng nhu cầu tuyển dụng, ngoài ra là khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tại Bắc Giang, thời điểm này các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn.

Còn tại TPHCM, dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4 năm 2023 của thành phố cần 75.500 đến 81.500 chỗ làm việc, tập trung ở khu vực thương mại dịch vụ, chiếm hơn 70% tổng số việc làm, ngoài ra là nhóm công nghiệp xây dựng, nông - lâm thủy sản...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn