MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Việt Hưng hiện vẫn được bảo đảm việc làm, thu nhập. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp không bỏ rơi người lao động

Nhóm PV LDO | 27/03/2020 07:03
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp không bỏ rơi người lao động. Các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng xoay xở, tìm những thị trường, mặt hàng mới để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp chủ động vượt khó

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty (Cty) May xuất khẩu Hà Bắc (ở Bắc Giang) - cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến DN, NLĐ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên khi dịch bùng phát tại Trung Quốc khiến Cty bị thiếu nguyên vật liệu để sản xuất. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty đã tích cực tìm nguồn hàng mới nên giai đoạn này Cty không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn đảm bảo thu nhập cho NLĐ. NLĐ không bị giảm lương, vẫn đi làm bình thường.

Ông Hùng cho biết thêm, sau giai đoạn 1, khách hàng ký hợp đồng với Cty khá nhiều, đủ để Cty sản xuất đến tháng 9.2020. Tuy nhiên, dịch bùng phát mạnh tại Mỹ, Châu Âu đã khiến Cty bị ảnh hưởng. Nhiều khách hàng đề nghị Cty tạm dừng sản xuất các mặt hàng mà họ đặt. Trước bối cảnh này, lãnh đạo Cty đang tìm các thị trường mới ở các nước khác, đồng thời tìm nguồn hàng sản xuất để bán cho thị trường nội địa, đảm bảo có hàng cho CN làm. 

Vừa qua, Cty đã “cắt” một số dây chuyền để sản xuất khẩu trang, phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, nếu sang tháng 4 mà không tìm được nguồn hàng mới, tình hình sản xuất, việc làm của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng.

“Lãnh đạo Cty cũng đã có thư ngỏ chia sẻ khó khăn để toàn bộ NLĐ nắm được. Trong trường hợp xấu nhất là dịch vẫn diễn biến phức tạp và hàng hóa không xuất được, lúc đó NLĐ phải thông cảm là Cty sẽ cho NLĐ về sớm; “nặng” hơn nữa là nghỉ luân phiên. Nhưng Cty vẫn trả lương cho CN (lương chờ việc) để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Trong trường hợp CN phải nghỉ chờ việc, Cty sẽ bảo dưỡng lại máy móc để sẵn sàng trở lại sản xuất” - ông Hùng nói.

Cố gắng bảo đảm việc làm, thu nhập của NLĐ

Cty Cổ phần Việt Hưng (quận 12, TPHCM) có gần 2.000 lao động, chuyên may các sản phẩm xuất khẩu cho thị trường Mỹ, Châu Âu và một phần thị trường nội địa. Do chủ động nhập nguồn nguyên liệu ngay từ đầu năm, nên Cty vẫn đang bảo đảm việc làm cho tất cả NLĐ với thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh ở Mỹ, Châu Âu (những thị trường lớn của Cty) có những diễn biến phức tạp, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Cty.

Ông Phan Công Minh - Tổng Giám đốc Cty - nói rằng, trong bối cảnh nào, Cty vẫn cố gắng để bảo đảm được việc làm, thu nhập cho NLĐ. Vì giữ được NLĐ là một phần rất quan trọng để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty.

Theo ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, có gần 11.000 lao động) - thông thường đơn hàng có từ 5, 6 tháng trước và Cty đã chuẩn bị nguyên vật liệu cho sản xuất. Vì vậy, Cty hiện nay vẫn còn duy trì việc làm cho NLĐ và trả lương đầy đủ. Nhưng vừa qua, đã có những chủ hàng ở Mỹ, Châu Âu thông báo trong thời gian tới sẽ cắt giảm đơn hàng. Như vậy, việc này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Cty và việc làm của NLĐ. Tuy nhiên, Ban Giám đốc Cty đã thông báo cho công đoàn cố gắng giữ chân NLĐ, không để NLĐ phải hoang mang, dao động.

DN và NLĐ sát cánh khắc phục khó khăn

Không có đủ nguyên liệu, không có đơn hàng, không xuất được hàng và thiếu việc làm đang là tình cảnh của đa số các doanh nghiệp dệt may và thủy sản tại Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) trước tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều chủ doanh nghiệp nỗ lực để không “bỏ rơi” NLĐ.

Hơn 2 tuần nay, ông Võ Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH F.L.D Việt Nam (KCN Suối Dầu) - thường xuyên có mặt tại xưởng sản xuất động viên NLĐ. Đồng thời, những ngày này, ông và các cộng sự vừa bàn các giải pháp để duy trì việc làm vừa ổn định tinh thần cho gần 1.200 NLĐ.

“Chúng tôi đang lên phương án hoàn thành các đơn hàng nhưng giãn tiến độ. Cty chia NLĐ ra mỗi người giảm một ít, làm từ từ cố gắng kéo qua dịch. Cty cũng vận động công nhân tiết kiệm chi tiêu trong thời điểm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp kẹt vốn nên cố cầm cự, trường hợp xấu nhất sẽ cố gắng hỗ trợ 70% lương cơ bản cho công nhân... Chúng tôi mong Chính phủ có gói hỗ trợ tài chính để cùng với doanh nghiệp hỗ trợ khó khăn cho công nhân” - ông Sơn nói.

lên phương án giữ chân người lao động

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - cho biết, ngành Dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động. Quy mô tiêu thụ của toàn ngành Dệt may Việt Nam đạt khoảng 45 tỉ USD, trong đó năng lực tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 5 tỉ USD, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Tiến Trường, vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho NLĐ. “Để giải quyết vấn đề trên cần sự nỗ lực của DN, chia sẻ của NLĐ, đặc biệt là hệ thống chính sách kịp thời của nhà nước để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiệp hội đang có những phương án để tập trung giữ NLĐ trong vòng 3 tháng tới, trong đó giải pháp chính là tiết giảm lao động, có sự luân phiên giữa các nhóm, cố gắng tránh tình trạng cho NLĐ nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến NLĐ” - ông Lê Tiến Trường nói.Hoa Lê ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn