MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ công đoàn nêu kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về nội dung điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi người lao động. Ảnh: Hưng Thơ

Doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, người lao động thiệt thòi quyền lợi

NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ LDO | 14/05/2024 06:30

Trên địa bàn các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều doanh nghiệp đang nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong nhiều năm với số tiền lớn, kéo theo hệ lụy người lao động bị thiệt thòi quyền lợi.

Hàng loạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết quý I/2024, trên địa bàn có hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền hàng trăm tỉ đồng. Đáng chú ý, trong số hàng trăm doanh nghiệp này, có những đơn vị nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN suốt hơn 10 năm, với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Điển hình như: Công ty Cổ phần Xây dựng HANCORP 2 (nợ 139 tháng - tương đương hơn 11 năm), với tổng số tiền hơn 39 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 (nợ 168 tháng - tương đương 14 năm), với số tiền hơn 6,8 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long (nợ 128 tháng - tương đương hơn 10 năm), với số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Ngoài ra còn có Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa (nợ 88 tháng), với số tiền hơn 16 tỉ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 4 - Thành phố Hà Nội (nợ 70 tháng), với số tiền hơn 10 tỉ đồng; Công ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort (nợ 36 tháng), với số tiền hơn 29 tỉ đồng; Công ty CP LILAMA 5 (nợ 55 tháng), với số tiền hơn 11 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Licogi 15 (nợ 142 tháng), với số tiền hơn 11 tỉ đồng…

Ngoài các doanh nghiệp nợ với số tiền lớn như trên, rất nhiều đơn vị khác trên địa bàn cũng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trong nhiều năm, số tiền dao động từ vài trăm triệu đến 6 tỉ đồng.

Tại Nghệ An, hiện có 835 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm, với tổng số tiền nợ (bao gồm tiền lãi chậm đóng) lên tới hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng nghìn lao động. Các địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đều có tình trạng rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền lớn, kéo dài.

Chung tay bảo vệ quyền lợi người lao động

Chị Phan Thị Hoa (40 tuổi, trú tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) làm công nhân ở Công ty Cổ phần May Quảng Trị có trụ sở ở thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Năm 2022, chị Hoa nghỉ sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản vì trước đó công ty đã chiếm dụng tiền đóng BHXH của chị. Đến nay, sau 2 năm từ lúc nghỉ sinh con, chị Hoa mới chỉ nhận được 7 triệu đồng là tiền chế độ thai sản, còn BHXH vẫn bị “treo”.

Nhiều cán bộ công đoàn tỉnh Quảng Trị cho rằng, thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội cho thấy vẫn còn một bộ phận NLĐ bị “treo” quyền lợi về BHXH do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Khi sửa đổi Luật BHXH tới đây, cần có các quy định cụ thể để xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH. Bên cạnh việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quy định để định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ bảo hiểm. BHXH tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trước thực trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, thời gian tới đơn vị tiếp tục chỉ đạo BHXH huyện, phòng nghiệp vụ thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của BHXH Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; chỉ đạo, phân công viên chức làm việc với đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc, đóng tiền kịp thời trong tháng và tiền chậm đóng của những tháng trước, đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của đơn vị.

Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động; triển khai linh hoạt cách thức làm việc với các đơn vị chậm đóng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn