MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn viên, NLĐ Công ty TNHH An Giang Samho làm thủ tục nhận quà hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh An Giang. Ảnh: LĐ

Doanh nghiệp phải đảm bảo chi trả quyền lợi cho người lao động mất việc

ANH THƯ LDO | 11/11/2022 13:29
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, người lao động mất việc, các cơ quan liên quan cần vào cuộc, đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Liên quan đến thực trạng trên, ngày 11.11, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực gỗ, dệt may, da giày bị giảm đơn hàng. Đây là tình trạng bất khả kháng của các doanh nghiệp. Điều quan trọng, những khó khăn trên lại rơi vào giai đoạn cuối năm, khi người lao động đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Ông Hải đánh giá, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất nỗ lực. Trong khi chưa có đơn hàng, các doanh nghiệp đang cố gắng sắp xếp, bố trí việc làm cho lao động. Nhiều đơn vị đã sử dụng hết phép 2022 và tiếp tục ứng phép 2023 để giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp mới thành lập, khả năng tích lũy và sự chịu đựng có hạn. Cho nên, những doanh nghiệp ấy đã có thông báo cho công người lao động mới kí hợp đồng nghỉ việc.

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ chế độ, quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Các cấp công đoàn cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phối hợp người sử dụng lao động đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định pháp luật cho người lao động một cách đầy đủ và tốt nhất.

Bên cạnh đó, cần giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc. Đặc biệt, tranh thủ giai đoạn này, người lao động tiếp tục học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với tình hình mới.

"Cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến từng những hoàn cảnh khó khăn cụ thể. Chẳng hạn như cả hai vợ chồng đều rơi vào tình cảnh mất việc. Các đơn vị phải nỗ lực để một người có việc làm" - ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, liên quan đến chăm lo Tết, các cấp công đoàn chú ý những người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đoàn viên công đoàn phải là đối tượng được phải quan tâm.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã cắt giảm hoặc cho lao động nghỉ việc luân phiên.

Nguyên nhân do những biến động của thế giới, biến động thị trường cũng như là các yếu tố khác đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp. Nhiều thị trường được dự báo có sức mua rất lớn, năng lực chi tiêu, chi trả cao thì nay không được như kì vọng.

VCCI cùng với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý đã phối kết hợp với nhau để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa cho các cái sản phẩm của mình.

"Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những thị trường mới. Qua đó, họ sẽ có những cái đơn hàng mới để tiếp tục sản xuất, kinh doanh" - ông Phòng nói.

Theo vị này, các doanh nghiệp cần điều mở các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Các đơn vị cần tích cực tìm kiếm thị trường và phong phú hóa sản phẩm, làm đẹp hơn các cái mẫu mã để có khả năng chinh phục và thuyết phục được các thị trường khó tính hơn.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tỷ trọng xuất khẩu vẫn đạt được yêu cầu đề ra. Vì vậy, ông Phòng cho rằng chúng ta không nên quá bi quan về các biến động trên.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành khác tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng sản phẩm, cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt và quan tâm hơn nữa là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, của các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tin rằng những cái khó khăn đang gặp phải chỉ là tạm thời và thời gian tới sẽ được xử lý một cách bài bản.

Bà Trần Thị Thanh Hà - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống.

Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giầy; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng). 

Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn