MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Công ty Samsung Việt Nam ăn ca với các vách ngăn bằng mica để phòng chống COVID-19. Ảnh: Hà Anh

Doanh nghiệp phòng chống dịch COVID-19 cho NLĐ: Sáng tạo và hiệu quả

Nhóm pV LDO | 07/04/2020 09:00
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người lao động (NLĐ). Trước tình trạng trên, để vừa đảm bảo tiến độ sản xuất, vừa phòng chống dịch COVID-19 cho NLĐ hiệu quả, nhiều Cty đã triển khai các giải pháp tích cực, sáng tạo.

Đem lại sự an tâm cho NLĐ

Cty PouYuen có hơn 63.500 NLĐ, trong đó khoảng 16.000 người ở một số tỉnh gần TP.Hồ Chí Minh (TPHCM) như Tiền Giang, Long An, Tây Ninh… Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Cty PouYuen (TPHCM) - cho biết, trước khi có dịch COVID-19, hàng ngày Cty thuê 394 xe khách để chở những NLĐ này đến Cty làm việc và từ Cty về nhà.

Từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Cty đã thuê thêm 416 xe với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng/ngày, nâng tổng số xe đưa đón 16.000 NLĐ lên 810 xe. Như vậy, bình quân mỗi xe chỉ chở 20 người.

“Trước khi lên và sau khi xuống xe, NLĐ phải thực hiện phun thuốc sát trùng, khử khuẩn để bảo đảm an toàn và phòng chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Nhờ việc tổ chức đưa đón NLĐ chu đáo và các biện pháp phòng dịch tích cực khác, đến nay, hoạt động của Cty vẫn bình thường” - ông Nghiệp chia sẻ.

Hiện nay, Samsung Việt Nam có khoảng 130.000 nhân viên, NLĐ đang hoạt động sản xuất bình thường. Đại diện Samsung Việt Nam cho hay, Cty luôn tuân thủ các chính sách và hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên, đối tác và khách hàng.

Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, Samsung Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống COVID-19 tại tất cả nhà máy. Trong đó, Cty hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong Cty bằng cách bố trí làm việc từ xa với các nhân viên khối hỗ trợ sản xuất; NLĐ tại các nhà máy bắt buộc phải đeo khẩu trang trong giờ làm việc… Tại các khu vực nhà ăn, Cty đã tiến hành lắp đặt vách ngăn giữa bàn ăn nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân viên trong khi ăn và bố trí giãn khoảng cách khi xếp hàng lấy đồ ăn. Trước khi lên xe bus đi làm, các nhân viên được kiểm tra nhiệt độ, đồng thời được yêu cầu đứng cách nhau 2 mét khi xếp hàng lên xe. Cty cũng tăng các chuyến xe đưa đón NLĐ. 

Chị Lê Thị Xiêm (Bộ phận Main, Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nói rằng, việc kiểm soát dịch đã được Cty thực hiện ngay từ ngày đầu tiên đi làm sau Tết. Tất cả những điều này đã khiến NLĐ yên tâm khi đi làm hàng ngày.

Bố trí ăn ca thành nhiều đợt

Tại Đà Nẵng, Cty Daiwa ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh có hơn 1.700 lao động. Theo bà Hoàng Thị Thanh Lan - cán bộ Công đoàn chuyên trách của Cty, ngoài các biện pháp triển khai hiệu quả lâu nay như đo thân nhiệt thường xuyên, sát khuẩn, vệ sinh... đơn vị này có sáng kiến bố trí ăn ca thành nhiều đợt để lượng người trong nhà ăn mỗi ca ít lại (nay NLĐ ăn ca thành 4 đợt). Đồng thời, Cty tăng cường thêm một lượng lớn nước sát khuẩn cho NLĐ để luôn bảo đảm vệ sinh.

Hay như Cty TNHH Điện tử Việt Hoa ở KCN Hòa Khánh với hơn 4.000 NLĐ. Bà Trần Thị Kim Hạnh - cán bộ Công đoàn chuyên trách - cho biết, Cty Việt Hoa bố trí ăn ca thành nhiều đợt, từ 3 lên 5 để giảm thiểu số người có mặt trong phòng ăn. Đặc biệt, Cty Việt Hoa còn có quy định NLĐ trong phòng ăn phải ngồi cùng 1 hướng và cách xa nhau...

Cty TNHH điện tử Foster Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) có 3.700 NLĐ. Để vừa đảm bảo tiến độ sản xuất, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, Cty đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo. Trong đó, Cty đã lắp các vách ngăn bằng nhựa mica tại các bàn ăn, không để NLĐ tiếp xúc quá gần, nói chuyện với nhau trong giờ ăn. “Ngay sau khi NLĐ ăn xong, nhân viên nhà ăn sẽ dùng thuốc sát khuẩn để lau bàn ăn cũng như các vách ngăn” - ông Lã Văn Thành, Giám đốc Hành chính của Cty, cho hay. 

Hiện nay, để tránh việc NLĐ tập trung quá đông vào một thời điểm để ăn ca, Cty đã tăng lên ở mức 5 lượt ăn ca so với thời gian trước đây. Cách điều chỉnh này vẫn đảm bảo thời gian sản xuất trong ngày của Cty. Cty cũng yêu cầu NLĐ khi xếp hàng vào nhà ăn thì phải cách nhau 2 mét. Cty kẻ các vạch để giúp NLĐ dễ nhận biết lúc xếp hàng.

Không chỉ triển khai những cách làm trên, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, các Cty triển khai các giải pháp khác, như: NLĐ trước khi vào nhà máy sẽ phải kiểm tra thân nhiệt; NLĐ được cấp phát khẩu trang, phải đeo khẩu trang 100% trong thời gian làm việc; bố trí thuốc sát khuẩn tay tại các lối ra vào nhà máy;  tăng cường tuyên truyền qua loa về tình hình dịch bệnh COVID-19… để NLĐ nắm bắt kịp thời, chủ động bảo vệ mình. Nhờ vậy, hiện nay, tình hình sản xuất của các Cty trên vẫn ổn định, đảm bảo an toàn cho NLĐ trước dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn