MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp rối khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ“. Ảnh: KQ

Doanh nghiệp "rối như tơ vò" khi thực hiện "3 tại chỗ"

Cường Ngô LDO | 09/08/2021 13:05
Sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể, nhiều doanh nghiệp "rối như tơ vò" khi áp dụng.

"Duy trì "3 tại chỗ" rất tốn kém. Nhưng vấn đề với doanh nghiệp hiện tại không nằm ở lỗ lãi nữa. Điều mà chúng tôi lo nhất, sợ nhất là vi phạm hợp đồng, mất khách hàng, mất uy tín trên thị trường, người lao động thất nghiệp, tâm sinh lý bất ổn" - ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), bộc bạch.

Mô hình "3 tại chỗ" làm khó doanh nghiệp

Theo nhận định của Bộ Công Thương, sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng, khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, chi phí thực hiện, quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ.

Bên cạnh đó, quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có 2 nhà máy đặt ở Đà Nẵng và Tiền Giang, do ông Trần Văn Lĩnh làm Chủ tịch HĐQT. Thời gian qua, ông "rối như tơ vò" khi thực hiện và duy trì mô hình "3 tại chỗ".

"Xí nghiệp của tôi được thiết kế để sản xuất trong điều kiện không có khu lưu trú cho công nhân. Để có diện tích đủ rộng cho công nhân ăn ở một cách bình thường đã không đủ rồi, huống chi phải ở trong điều kiện phải ngăn ngừa dịch bệnh.

Vì áp lực sản xuất, áp lực của giao hàng, đời sống công nhân, cho nên chúng tôi buộc phải làm, buộc phải duy trì "3 tại chỗ", nhưng duy trì trong điều kiện hết sức tạm bợ. Chưa kể đến những doanh nghiệp nằm trong khu cách ly cứng thì việc tiếp phẩm cũng cực kỳ khó khăn.

Chủ doanh nghiệp chỉ lo chỗ vệ sinh cá nhân cho công nhân thôi cũng đủ "thở ra khói", thử hỏi làm sao trong một thời gian ngắn có thể xây nhà vệ sinh cho hàng nghìn công nhân được" - ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh kể, ông mới xây một nhà máy ở Tiền Giang, diện tích rộng, đủ cho 2.000 công nhân ở, nhưng hiện tại, chỉ có 500 công nhân đăng ký ở theo kiểu "3 tại chỗ". Nhưng, mới đến ngày thứ 5 thôi, anh em công nhân đã bức bối, không chịu đựng được rồi.

"Cái khó nhất là kiểm soát người lao động trong khu nội trú có những tiếp xúc bên ngoài (những người có thể mang mầm bệnh). Chúng tôi không đủ quyền lực và nguồn lực để kiểm soát hết. Thay vào đó, doanh nghiệp cố gắng, khuyến khích động viên người lao động hiểu và hợp tác.

Sau cùng, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản về việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang áp dụng phương án "3 tại chỗ". Dù phải đóng cửa, không tiếp tục sản xuất được, nhưng chúng tôi cũng thờ phào" - ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, biện pháp căn cơ nhất đối với doanh nghiệp và người lao động ở thời điểm này là được tiêm vaccine cho công nhân.

"Hai mặt trận ở thời điểm này là chống COVID-19 và sản xuất. Vừa rồi, chúng ta đã ưu tiên hết cho mặt trận tuyến đầu chống dịch, bây giờ phải ưu tiên cho những người sản xuất - bởi họ cũng giống như những người lính trên chiến trường vậy. Nếu sản xuất không phát triển thì lính tiền tiêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cho nên, tôi đề nghị tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có liên quan đến chuỗi đời sống của nhân dân" - ông Lĩnh đề xuất.

Đề xuất lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy

Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc thường trực VinCommerce (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) - cho biết, qua thực tế triển khai, VinCommerce nhận thấy biện pháp "3 tại chỗ" là chủ trương đúng đắn, nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn. Nếu áp dụng dài hạn, khi có phát sinh nguồn lây bệnh, phương án này sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn, dẫn tới nhà máy không còn khả năng tiếp tục vận hành sản xuất.

Do vậy, bà Phương đề xuất lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu... ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.

Bà Phương cho hay, theo thống kê hiện nay, đa số F0, F1 có thể phục hồi sức khỏe và quay trở lại làm việc từ sau 3-4 tuần. Vì vậy, cần có giải pháp để cung cấp nguồn nhân lực bị thiếu hụt trong thời gian ngắn bằng nguồn dự bị như lực lượng thanh niên xung phong hay lao động từ các tỉnh thành khác.

Vị này mong muốn đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine cho người lao động và thân nhân của họ trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu vực làm việc nguy cơ cao.

"Việc tiêm vaccine vừa là cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa là biện pháp tinh thần cho nhân viên bán hàng siêu thị, công nhân và gia đình trước nỗi lo và gánh nặng dịch bệnh. Đồng thời, điều này giảm nguy cơ đứt gãy khả năng cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tập đoàn sản xuất, kinh doanh nhu yếu phẩm" - bà Phương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn