MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh phí Công đoàn được trích lại để hỗ trợ, chăm lo cho người lao động gặp khó khăn. Ảnh Hoàng Bin

Doanh nghiệp tại Quảng Nam nợ hơn 100 tỉ đồng kinh phí Công đoàn

Hoàng Bin LDO | 04/07/2023 17:29

Tính đến cuối năm 2022, các đơn vị, doanh nghiệp tại Quảng Nam đã nợ hơn 100 tỉ đồng kinh phí Công đoàn (KPCĐ), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn viên công đoàn và người lao động.

Nhiều doanh nghiệp vi phạm

Theo Liên đoàn Lao động Quảng Nam, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc tích cực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thu đoàn phí công đoàn và KPCĐ (mức thu KPCĐ là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động), cân đối nguồn thu đảm bảo hoạt động của tổ chức công đoàn, đặc biệt thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Lãnh đạo tổ chức Công đoàn tại Quảng Nam thăm, động viên công nhân lao động gắn bó với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Ảnh Hoàng Bin

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện đúng việc đóng KPCĐ: Trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng tỷ lệ quy định, đóng không đủ theo quỹ lương... làm ảnh hưởng đến nguồn kinh phí hoạt động của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở.

Tổng số nợ KPCĐ lũy kế đến cuối năm 2022 là hơn 100,3 tỉ đồng, tăng 1,83% so với 6 tháng đầu năm (do phát sinh mới).

Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam Phan Xuân Quang cho biết, hành vi không thực hiện đóng kinh phí công đoàn đúng quy định của các doanh nghiệp là vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 38 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, ngày 17.1.2022 của Chính phủ về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1, Điều 31 Luật Công đoàn Việt Nam. Đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn viên công đoàn và người lao động, ảnh hưởng đến phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn.

Chưa thực hiện nghiêm chế tài xử phạt

Thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vi phạm về đóng KPCĐ nhưng chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này làm cho việc thu KPCĐ của các cấp Công đoàn càng gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam cho hay.

Lãnh đạo Công đoàn Quảng Nam làm việc với lãnh đạo Công ty Giày Rieker, KCN Điện Nam, Điện Ngọc, hiện nợ hơn 13 tỉ đồng kinh phí Công đoàn. Ảnh: Hoàng Bin

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, tình trạng nợ kinh phí Công đoàn diễn ra ở gần 100 đơn vị, doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, số nợ lớn tập trung ở các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, có đông công nhân, lao động.

Đơn cử, Công đoàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh hiện có 22.400 công nhân đang làm việc, bị nợ KPCĐ hơn 55,2 tỉ đồng.

Đại diện Công đoàn các KKT và KCN tỉnh cho biết, dù đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực đôn đốc các doanh nghiệp nộp KPCĐ nhưng số nợ KPCĐ lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bảo vệ, chăm lo đời sống cho đoàn viên người lao động, chương trình phúc lợi đoàn viên.

“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về trích nộp kinh phí Công đoàn”, Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam Phan Xuân Quang cho biết.

Theo nguồn tin báo Lao Động, ngày 4.7, tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đôn đốc thu, nộp kinh phí công đoàn.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành xử lí nghiêm các doanh nghiệp cố tình không thực hiện việc trích đóng kinh phí công đoàn theo quy định, báo cáo kết quả về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn