MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng quà, động viên công nhân lao động. Ảnh: Trần Lâm

Doanh nghiệp Thanh Hóa nỗ lực vượt qua thách thức, tạo việc làm cho người lao động

TRẦN LÂM LDO | 03/02/2024 09:00

Năm 2023 qua đi, cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và đang nỗ lực từng ngày vượt qua thách thức phía trước.

Khó khăn chồng chất

Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa - cho biết, tiếp nối đà suy giảm sức tiêu thụ từ cuối năm 2022, trong năm 2023, nhiều DN đã bị cắt giảm tới 30%, thậm chí 50% đơn hàng ở thị trường châu Âu.

Bên cạnh “bức tranh” ảm đạm của thị trường sản xuất hàng tiêu dùng, các “đại gia” trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng cũng đang “đứng”, “ngồi” không yên khi thị trường nhà đất gần như “đóng băng”.

Theo Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, tỉ lệ thuế thu từ cấp quyền sử dụng đất trong năm 2023 giảm tới gần 50% so năm 2022.

Thống kê của Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, năm 2023, các DN buộc phải cắt giảm bớt hơn 3.761 lao động. Đặc biệt, một số DN buộc phải tạm dừng hoạt động như Công ty CP Xi măng Công Thanh, Công ty Innov Green tại KKTNS. Nhiều DN phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, không tăng ca, điển hình là 12 DN tại Khu Công nghiệp Bỉm Sơn.

Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến tình trạng nợ đọng bảo hiểm kéo dài với số tiền nợ đọng lớn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, điển hình như Công ty CP Ximăng Công Thanh nợ 5,7 tỉ đồng, Công ty TNHH Beoyin Vina nợ hơn 4 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Sông Chu...

Nhiều ngành sản xuất trọng yếu, truyền thống của tỉnh tiếp tục bị sụt giảm như đường giảm xấp xỉ 50%; tinh bột sắn giảm 21,7%; bia các loại giảm xấp xỉ 20%, gạch xây giảm 12,2%...

Những khó khăn khiến ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa - nói: “DN đang đối mặt với bối cảnh đầy khắc nghiệt, từng ngày gồng mình với thách thức”.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Câu chuyện ngân hàng thừa tiền, nhưng DN lại “đói” vốn đang là vấn đề gây “đau đầu” các nhà quản lý.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 27.000 DN nhưng chỉ có 4.686 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Như vậy, chỉ có 17,3% DN hấp thụ được vốn ở thời điểm hiện nay, phản ánh “bức tranh” yếu ớt về lưu động dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh. Với dư nợ 52.130 tỉ đồng cho 4.686 khách hàng DN, nhưng con số khách hàng được cơ cấu nợ trong năm 2023 chỉ có 266 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 1.274 tỉ đồng là một con số quá ít ỏi.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Thanh Hóa - thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Mặc dù mặt bằng lãi suất hiện nay tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao và quá sức so với khả năng chịu đựng của DN cũng như lợi nhuận có thể đạt được trong sản xuất, kinh doanh”.

Đặc biệt, để hỗ trợ các DN, HTX, hộ cá thể khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều gói hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đã được ban hành nhưng phần lớn đều bị “tắc” đầu ra do những khó khăn về điều kiện và thủ tục phức tạp.

Điển hình như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước sau hơn 19 tháng triển khai thực hiện, Thanh Hóa chỉ có 208 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất với dư nợ 1.343 tỉ đồng và tiền lãi suất đã hỗ trợ 17,5 tỉ đồng.

Con số này, so với nhu cầu vốn thực tế của các DN, HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn quá thấp.

Nỗ lực thích nghi để phát triển

Những khó khăn chất chồng cũng lại một loại “thuốc thử liều cao” để DN phải nỗ lực thay đổi, thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới. Thực tế, nhiều DN Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn để phát triển từ tư duy biết thích nghi, đổi mới này.

Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (Khu Công nghiệp Lễ Môn) hiện vẫn tạo việc làm đều đặn cho hơn 200 lao động. Lao động giỏi, tay nghề cao, thiết kế bắt kịp xu hướng và làm maketing tốt vẫn được DN chú trọng tuyển dụng và đào tạo.

Ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình - nhận định: Qua đợt sàng lọc sau dịch, DN nào còn tồn tại và đứng vững, chắc chắn sẽ đón nhận vận hội mới khi thị trường hồi phục trong tương lai”.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - cho hay, tỉnh đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện, cùng với DN tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn