MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số công nhân lao động làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, chật vật với mức thu nhập như hiện nay khi giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao. Ảnh: Thành Nhân

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động sụt giảm

Thành Nhân LDO | 02/08/2023 06:21

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải giảm giờ làm hoặc cho nghỉ luân phiên… khiến thu nhập của công nhân giảm, cuộc sống người lao động càng thêm chật vật, túng thiếu.

Anh Nguyễn Văn Chánh (công nhân đang làm việc tại Chi nhánh Công ty TNHH Uni-President Việt Nam Tiền Giang) cho biết, do doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên lao động bị giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút.

“Công ty của vợ tôi thiếu đơn hàng nên đã cho vợ tôi chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty tôi đang làm cũng bị thiếu đơn hàng, không có tăng ca, còn phải giãn việc hoặc cho nghỉ luân phiên. Thu nhập giảm đơn giảm kép, đời sống gia đình càng thêm khó khăn” - anh Chánh chia sẻ.

Theo anh Chánh, gia đình anh có 5 người gồm: Mẹ già, 2 con cùng vợ chồng anh. Nhưng hiện nay, trong gia đình chỉ có anh đi làm, thu nhập mỗi tháng được hơn 5,5 triệu đồng nên thiếu trước hụt sau. Ngoài ra, giá cả leo thang nhưng thu nhập của người lao động vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Các doanh nghiệp thoả thuận cắt giảm lao động, giảm giờ làm đã ảnh hưởng đến 9.267 trường hợp cắt giảm giờ làm, 301 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động và 1.168 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Chị Cổ Thị Kim Phương - công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH TMSX Nệm & May mặc Mekong - cho hay, trước đó, doanh nghiệp chị đang làm việc thiếu đơn hàng, nên có giảm thời gian làm việc. Hiện nay, doanh nghiệp không còn tăng ca nên mỗi ngày làm 8 giờ, thu nhập của chị mỗi tháng chỉ còn khoảng 5,2 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi đang thuê trọ trên địa bàn TP Mỹ Tho. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng hơn 12 triệu đồng/tháng, trong khi có quá nhiều thứ phải chi tiêu như tiền thuê nhà trọ, tiền ăn uống và chi tiêu của cả gia đình... Vợ chồng tôi phải dè sẻn lắm mới không thiếu nợ. Khi vật giá đồng loạt leo thang, thu nhập chừng đó sẽ thiếu trước hụt sau” - chị Phương chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tâm (đang làm việc tại một công ty ở cụm công nghiệp Trung An) chia sẻ, dù mức lương tối thiểu vùng đã tăng thêm 6% vào năm 2022 nhưng bối cảnh giá cả leo thang, đặc biệt là các hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ hàng ngày cũng tăng đã khiến đời sống của người lao động có thu nhập thấp như anh rất vất vả. Do đó, anh Tâm mong rằng, cơ quan chức năng cần kiểm soát giá cả để đời sống của người lao động đỡ chật vật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn