MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động xem thông tin tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua mạng xã hội thành công 40% - 50%

Nam Dương LDO | 05/03/2021 08:06
Nhiều công ty tuyển dụng lao động thông qua trang web của công ty hay sử dụng mạng xã hội thay vì đến Trung tâm Dịch vụ việc làm do Trung tâm chậm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Dùng mạng xã hội để tiếp xúc trực tiếp với người tìm việc

Từ sau Tết, do nhu cầu mở rộng sản xuất, Cty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động ngành may. Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Cty Triple Việt Nam - cho biết năm 2020, mặc dù tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều doanh nghiệp, nhưng do đơn hàng ổn định, Cty không phải cắt giảm lao động mà vẫn duy trì việc làm cho 2.600 lao động. Đầu năm, do có thêm đơn hàng, Cty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 CN may với thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần thông báo, mặc dù số lượng người đến ứng tuyển cũng nhiều, nhưng Cty vẫn chưa tuyển dụng đủ số lao động mong muốn.

Lý giải về việc Cty trực tiếp đăng thông tin tuyển dụng mà không qua Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL), ông Hải cho biết do hiện nay đa số NLĐ đều có điện thoại di động thông minh có thể dễ dàng kết nối Internet, nên Cty sử dụng các mạng xã hội để đăng tuyển là nhanh nhất. NLĐ khi có nhu cầu tìm việc có thể lên các mạng xã hội như zalo, facebook để tìm kiếm thông tin, chứ không cần phải đến TTDVVL nữa. Ngoài ra, các TTDVVL chậm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Đoan Trinh - Giám đốc Nhân sự Công ty Giao hàng nhanh (Q.10, TPHCM), cho biết do nhu cầu công việc, Cty tuyển dụng rất nhiều lao động, trung bình một tháng khoảng 500 người, tháng cao điểm có lễ, Tết, cuối năm tăng lên khoảng 800, 900 người. Theo bà Trinh, các TTDVVL thường ít linh động trong việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, chỉ đăng tuyển các nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp gửi chứ không chủ động tiếp cận với người tìm việc. Chính vì đó, doanh nghiệp phải tự sử dụng trang web của Cty mình, hay tốn tiền để sử dụng mạng xã hội hoặc các trang web tìm việc của các đơn vị tư nhân để chủ động tiếp cận với người tìm việc.

Áp dụng nhiều hình thức tuyển dụng

Bà Trinh cho biết, Cty của bà cũng áp dụng nhiều hình thức để thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Một trong những các thức đó là dùng biện pháp công nghệ để gửi thông tin tuyển dụng trực tiếp đến người tìm việc qua facebook cá nhân của họ, mời gọi họ đến Cty để phỏng vấn. “Thậm chí với nhiều trường hợp nhân sự quản lý, trình độ cao, nhân viên tuyển dụng còn chủ động hẹn gặp để trao đổi, tâm sự, thuyết phục NLĐ về làm việc cho doanh nghiệp có khi không chỉ vì tiền lương mà còn các cơ hội được đào tạo nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến hay các lợi ích khác. Trường hợp NLĐ đồng ý và qua phỏng vấn, nếu thấy đạt yêu cầu, thì có thể ký HĐLĐ ngay trong ngày. Trong khi việc tuyển dụng lao động qua các TTDVVL thì không thể đạt yêu cầu như thế” - bà Trinh nói. Theo bà Trinh, tỉ lệ tuyển dụng thành công thông qua mạng xã hội của Cty Giao hàng nhanh hiện khoảng 40% -50%, tăng khoảng 10 lần so với những năm trước.

Giám đốc Nhân sự một Cty ở quận 3, TPHCM, thì cho biết lý do doanh nghiệp sử dụng và phải trả tiền cho các trang web giới thiệu việc làm của các đơn vị tư nhân là vì doanh nghiệp sẽ được chăm sóc cẩn thận và thế nào cũng tìm được ứng viên, trong khi đó nếu thông qua TTDVVL thì có khi thông tin gửi đi mà không được phản hồi gì.

Giải thích về việc nhu cầu tuyển dụng nhiều, người tìm việc cũng lắm, nhưng các cơ hội tuyển dụng thành công lại ít, bà Trinh cho rằng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, chính vì nhu cầu tìm việc và tuyển dụng nhiều nên sự chọn lựa của các bên đều nhiều. Thứ hai, doanh nghiệp thường không thể đưa tất cả các yêu cầu của vị trí tuyển dụng trên thông báo, còn NLĐ thì ít khi đọc, biết, hiểu hết các yêu cầu đối với công việc của vị trí đó. Do đó, nên khi vào làm một thời gian cả hai bên mới nhận ra người tuyển dụng không đạt yêu cầu của vị trí đó, NLĐ nản, doanh nghiệp cũng không còn mặn mà với nhân sự đó và muốn tìm người khác. Lý do thứ ba, bất cứ công việc nào cũng cần có thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Ví dụ, việc đi giao hàng tưởng chừng đơn giản, nhưng NLĐ cũng cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm sao cho việc giao hàng thuận lợi nhất như sắp xếp tuyến đường hợp lý, cách để hàng sao cho lấy ra nhanh nhất, thuận tiện nhất, điểm giao gần nhất để trên, điểm giao xa nhất để dưới, cách giao tiếp với người nhận hàng để sao cho họ vui vẻ, không khó chịu, hay từ chối nhận hàng... Tuy nhiên, nhiều NLĐ không kiên trì để có đủ thời gian đó và muốn nhảy việc, dẫn đến kết quả tuyển dụng không thành công ở khía cạnh bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn