MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp may mặc đang phải “ăn đong” đơn hàng. Ảnh: Phan Anh

Doanh nghiệp ủng hộ tăng lương với mức hợp lý

Đức Mạnh LDO | 10/08/2023 09:17

Doanh nghiệp đồng tình với đề xuất tăng lương tối thiểu, tuy nhiên mong muốn mức tăng hợp lý để cùng chia sẻ khó khăn.

Mức tăng nên phù hợp trong bối cảnh khó khăn

Làm việc tại Công ty May Poongshin Vina (Khu Công nghiệp Phúc Khánh, TP Thái Bình) được 17 năm, chị Nguyễn Thị Phương (Minh Khai, TP Thái Bình) đang ngóng chờ từng ngày được tăng lương tối thiểu vùng sắp tới. Hiện tại lương tối thiểu vùng của chị với vị trí tổ trưởng (tính theo sản phẩm) là hơn 6 triệu đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản tăng ca sẽ thu về tối thiểu 12 triệu đồng/tháng.

Chị chia sẻ: “Với các anh chị em công nhân, lương tối thiểu vùng II tại đây là 4.089.000 đồng/tháng, vẫn thấp hơn một số công ty khác. Hiện nay đơn hàng sụt giảm dẫn đến thu nhập của những công nhân làm ở tổ có ít sản phẩm bị sụt giảm nghiêm trọng. Với tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, cộng với việc công ty cắt ngày nghỉ phép của công nhân, chúng tôi rất chờ đợi được tăng lương tối thiểu vùng để cải thiện đời sống”.

Công nhân mong ngóng tăng lương, nhưng về phía các doanh nghiệp cũng nhiều khó khăn. Như tại Công ty CP May KLW Việt Nam (Vĩnh Phúc), từ tháng 4 dự kiến đến hết tháng 9 sẽ chỉ sản xuất cầm chừng vì không có đơn hàng. Từ tháng 10 - 12 có tín hiệu tốt hơn một chút còn sang đầu năm sau vẫn chưa có khởi sắc gì.

“Công ty cố gắng không cắt giảm lao động hay cho nghỉ không lương nhiều ngày, nhiều tháng. Nếu có nghỉ thì cũng rất ít thôi nhưng người lao động vẫn được hưởng lương bình thường theo quy định của luật” - chị Nguyễn Thị Nga - Trưởng phòng hành chính nhân sự tại KLW nói.

Theo đại diện nhà máy này, bất kể khoản tăng chi phí gì trong giai đoạn hiện nay đều gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có tăng lương. Nhìn về phía cán bộ công nhân viên, không được tăng lương thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng. Bởi tiền lương không tăng trong khi hiện nay các chi phí khác như sinh hoạt, học phí cho con… vẫn tăng.

Chị Nga đề xuất: “Bình quân các năm trước, lương tối thiểu vùng sẽ tăng khoảng từ 5-6%. Còn năm nay theo góc độ doanh nghiệp chúng tôi thì mức tăng có thể ở mức 3-4% để hài hòa hơn. Người lao động vẫn có thể cải thiện thu nhập còn doanh nghiệp cũng không phải chịu áp lực quá lớn”.

Ưu tiên duy trì việc làm cho người lao động

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành các bước khảo sát cụ thể ở những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng lao động như da giày, dệt may, thủy hải sản, điện tử... để tham khảo ý kiến của họ về vấn đề này. Có thể nói nhu cầu tăng lương là nhu cầu rất chính đáng của người lao động. Tuy nhiên xét về bối cảnh cụ thể thì doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng cũng như các điều kiện khác nên đà tăng trưởng chưa được duy trì. Chính vì vậy ưu tiên của doanh nghiệp bây giờ là có đơn hàng để duy trì việc làm cho người lao động”.

Theo đại diện VCCI, nhiều doanh nghiệp đã phải điều tiết lại công việc, thậm chí còn cho người lao động nghỉ luân phiên, khuyến khích người lao động nghỉ phép và các chế độ khác trong giai đoạn hiện tại. Trong khi nhu cầu việc làm của người lao động hiện nay rất cao. Họ mong muốn duy trì việc làm hiện tại. Ông hy vọng trong thời gian tới các đơn hàng, hợp đồng trở lại, tạo điều kiện để việc tăng lương tối thiểu vùng được triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn