MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả doanh nghiệp và công nhân đều mong muốn được tăng giờ làm thêm để đáp ứng nhu cầu đơn hàng và tăng thêm thu nhập. Ảnh: Nam Dương

Doanh nghiệp và công nhân đều muốn tăng ca

Nam Dương LDO | 29/09/2021 09:00
Hầu hết các doanh nghiệp mong muốn sẽ được tăng ca để đáp ứng đơn hàng, còn người lao động cũng muốn làm thêm để có thêm thu nhập, bù lại khoảng thời gian nghỉ quá dài do ảnh hưởng dịch bệnh.

Sẵn sàng làm thêm giờ

“Nghỉ lâu quá rồi, cuộc sống công nhân bây giờ rất khó khăn nên nếu được làm thêm giờ chúng tôi sẵn sàng” - anh Lê Tấn Trường, CN khu C6 Cty PouYuen Việt Nam (Quận Bình Tân, TPHCM) nói. 

Anh Trường đi làm gần 20 năm, thu nhập gần 21 triệu đồng/tháng, đủ nuôi hai con ăn học, dù vẫn phải đi thuê nhà trọ. Thế nhưng từ ngày 13.7, Cty phải tạm dừng hoạt động, anh phải ngừng việc và được hưởng lương tối thiểu vùng 170.000 đồng/ngày đến hết tháng 8.2021. Từ 1.9, Cty chỉ trả hỗ trợ 85.000 đồng/ngày nên cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn, nhất là khi con bắt đầu vào năm học mới rất nhiều chi phí.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, CN Cty Nissei Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP.Thủ Đức) cũng tỏ ra phấn khởi nếu được tăng ca thêm giờ như Bộ LĐTBXH đề xuất. Chị Tuyết cho biết, do phải ngừng việc hơn hai tháng qua và được hưởng 75% lương cơ bản nên gặp rất nhiều khó khăn. Chị Tuyết bày tỏ mong muốn được phép làm thêm giờ “càng nhiều càng tốt”.

Còn chị Bàn Thị Quyên, CN Cty may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM) nghỉ việc hơn 2 tháng nay và chưa biết đến bao giờ mới được làm việc trở lại.

Trước đó tiền lương không tăng ca của chị được hơn 8 triệu đồng/tháng, có tăng ca được hơn 10 triệu đồng/tháng.

“Có tăng ca thì bù lại những tháng vừa qua không có lương, rồi còn về quê (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) để thăm con nữa” - chị Quyên chia sẻ.

 Tăng ca để bù “khoảng trống” ngừng hoạt động

Ông Trần Tiến Phát - Tổng Giám đốc Cty Datalogic (Khu công nghệ cao, TPPHCM) - cho biết do thực hiện giãn cách phòng chống dịch, Cty chỉ bố trí được cho khoảng 50% NLĐ của Cty đi làm, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp.

Tương tự, ông Phan Công Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Việt Hưng (Quận 12, TPHCM) - cho hay, Cty tạm ngừng hoạt động từ ngày 15.7 đến nay và cũng chưa biết khi nào mới được phép hoạt động trở lại. Khi hoạt động không thể huy động ngay 100% NLĐ đi làm. 

“Doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động ¼ thời gian của cả năm, nếu không tăng ca thì không thể khắc phục được hậu quả của dịch bệnh gây ra.

Đồng thời, Điều 108 Bộ luật Lao động cũng quy định NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và NLĐ không được từ chối nếu thực hiện các công việc nhằm khắc phục hậu quả dịch bệnh nguy hiểm khi được bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động và NLĐ không bị ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Nên việc tăng ca làm thêm là phù hợp” - ông Minh nói.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty PouYuen - cho biết ,qua nắm tâm tư của NLĐ, do phải nghỉ việc lâu NLĐ đã gặp nhiều khó khăn và rất mong sớm được đi làm trở lại. Nếu được Nhà nước cho phép làm thêm giờ, là điều tốt cho doanh nghiệp, vì hiện nay doanh nghiệp cũng rất khó khăn do phải nghỉ lâu mà vẫn phải trả lương cho NLĐ.

Trong khi sắp tới là mùa Noel và Tết dương lịch, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các nước là rất cao do họ đã bình thường trở lại từ lâu, mà các doanh nghiệp cung ứng không có hàng dự trữ vì phải sản xuất cầm chừng từ năm qua. “Bình thường, nghỉ Tết 10 ngày mà nhiều CN cũng thấy chán và mong muốn được đi làm. Nếu được cho phép tăng ca nhiều hơn, chắc chắn nhiều CN cũng sẽ đồng tình, vì thực sự họ cũng khó khăn quá rồi” - ông Nghiệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn