MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai - nói về vấn đề nhà ở công nhân tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh vào ngày 22.10. Ảnh: Hà Anh Chiến

Doanh nghiệp xây nhà xưởng cũng phải xây nhà ở công nhân

HÀ ANH CHIẾN LDO | 22/10/2021 18:25

ĐỒNG NAI - “Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Doanh nghiệp mở ra một cơ sở, dự án công nghiệp phải tính ngay chỗ ở cho người lao động (NLĐ) chứ không thể bỏ mặc NLĐ ở đâu thì ở, thuê đâu thì thuê” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai, nói.

Doanh nghiệp chăm lo chỗ ở, thu nhập, sức khoẻ cho NLĐ 

Ngày 22.10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai, liên quan đến tình trạng thiếu hụt công nhân lao động ở các doanh nghiệp, ở các khu công nghiệp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai - cho rằng: Các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tổ sản xuất, không để thâm dụng lao động như trước đây, bằng việc tăng cường tự động hoá, bán tự động hoá, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để giảm sử dụng thâm dụng lao động. 

Doanh nghiệp ở huyện Nhơn Trạch mua thêm sữa để bổ sung vào bữa ăn cho người lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến 

“Phải thay da đổi thịt, hướng tới mục tiêu hiện đại tiến bộ hơn trong sản xuất, đó là yếu kém mà chúng ta phải thay đổi đối với mô hình kinh tế của Đồng Nai” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Lĩnh cũng đề nghị các doanh nghiệp phải chăm lo nhiều hơn đối với NLĐ, để giữ chân NLĐ, tạo sự gắn bó giữa NLĐ với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần phải chăm lo chỗ ở cho NLĐ, chăm lo thu nhập, sức khoẻ cho NLĐ. 

“Cả doanh nghiệp và cả xã hội, lãnh đạo tỉnh chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này và nỗ lực trong thời gian tới, để giảm thiểu rủi ro trong tương lai ở các khu nhà trọ công nhân” - Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.

“Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Doanh nghiệp mở ra một cơ sở, dự án công nghiệp phải tính ngay chỗ ở NLĐ chứ không thể bỏ mặc người lao động ở đâu thì ở, thuê đâu thì thuê” - ông Lĩnh nói.

Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho rằng: “Doanh nghiệp bỏ tiền xây nhà xưởng cho sản xuất thì cũng phải bỏ tiền xây nhà ở cho NLĐ, phải chăm chút cho NLĐ, điều này là quan trọng. Vì sao? Vì NLĐ mới là người tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội”. 

Doanh nghiệp ngành gỗ lo thiếu hụt lao động

Ngày 22.10, ông Lê Văn Danh - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai - cũng cho biết: Trong 2 ngày vừa qua, đã có 60 doanh nghiệp với hơn 8.000 người lao động tham gia phục hồi sản xuất sau mở cửa. Đến nay, đã có 1.575 doanh nghiệp/1.713 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đạt 92%. Số lao động đã đi làm lại là 484.000 lao động/615.000 lao động, đạt 79%. 

Theo ông Danh, đây là con số khá khả quan. Ngoài các doanh nghiệp giày da, may mặc phục hồi nhanh, qua khảo sát, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong suốt 3 tháng qua tiếp tục là chủ lực. Trong xuất khẩu, duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, giữ chân được khách hàng nước ngoài, tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gỗ này đang lo lắng về việc chuyển dịch lao động, thiếu hụt lao động.

Được biết, trong 3 tháng dịch bệnh vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 40.000 lao động Đồng Nai trở về quê tại các tỉnh khu vực miền Trung, Miền Tây, Tây Nguyên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn