MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản Đà Nẵng gặp khó khăn nhưng vẫn xoay sở đủ cách để duy trì việc làm cho lao động. Ảnh: Vũ Lê

Doanh nghiệp xoay xở giữ việc cho người lao động dịp cận Tết

THUỲ TRANG LDO | 05/12/2022 18:05
Đà Nẵng - Đơn hàng giảm đang khiến một số doanh nghiệp tại Đà Nẵng gặp khó khăn. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất bằng nhiều cách để giữ công việc cho người lao động, đặc biệt là dịp cận Tết.

Làm luân phiên để lao động nhận lương tối thiểu

Từ tháng 11 đến nay, Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu có 240 lao động giảm giờ làm. Được biết, từ tháng 6.2022 đến nay, doanh nghiệp này có đơn hàng giảm 50%, số lao động giảm 23% so với đầu năm. Nguyên nhân là do ít việc làm không sắp xếp tăng ca nên công nhân chủ động nghỉ việc.

Với số lao động còn lại, để duy trì hoạt động và công việc của người lao động, công ty này đã thương lượng với người lao động sắp xếp nghỉ phép năm khi không có việc.

Từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán 2023, tình hình đơn hàng sẽ không có nhiều khả quan. Vì vậy, người lao động sẽ được sắp xếp làm 8 tiếng/ngày để đủ công nhận lương tối thiểu.

Trong khi đó, Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam với 500 lao động chọn phương án để lao động làm việc luân phiên bằng cách, 300 lao động đi làm thì 200 lao động nghỉ và ngược lại vào ngày hôm sau.

Chỉ nhận được 70% lương, chị Nguyễn Ngọc, nhân viên tại đây tỏ ý đồng tình với giải pháp trên của doanh nghiệp: “Công ty vẫn đóng BHXH đầy đủ. Việc làm luân phiên thế này dự kiến sẽ duy trì đến hết tháng 1.2023. Tình hình sản xuất khó khăn nên chúng tôi cũng phải chấp nhận ngày làm ngày nghỉ để duy trì công việc. Phía doanh nghiệp cũng đã cố gắng để lao động có đồng lương. Dù sao còn được sắp xếp việc làm, nhận lương cũng may mắn hơn là hàng trăm người lao động vừa bị mất việc cận Tết do công ty giải thể”.

Là một trong những doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn khi hàng hoá tiêu thụ chậm trong khi hàng trăm lao động vẫn đang cần có việc làm mỗi ngày, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, công ty vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất để người lao động có đủ việc làm và có thể đón một cái Tết tương đối tươm tất. Việc cho lao động nghỉ thứ 7, chủ nhật, không tăng ca là điều chưa có tiền lệ nhưng ít nhất người lao động vẫn được đi làm 5 ngày còn lại trong tuần.

Đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào tăng

Theo báo cáo tình hình kinh tế phát triển xã hội tháng 11 của Cục Thống kê Đà Nẵng, trong tháng 11 vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2022 ước tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 0,2% so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Tuy vậy, tình hình chính trị tại một số nước diễn biến phức tạp; lạm phát ở các thị trường chủ lực tăng cao; giá nguyên vật liệu một số ngành hàng tăng phi mã do nhiều lần đứt gãy chuỗi cung ứng; chi phí logistics đạt mức tăng kỷ lục trên toàn cầu... đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong cả nước nói chung và trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt là các đơn vị tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu.

Ở một số ngành hàng (điển hình như giày da, giấy, sản xuất kim loại...) do đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu nên sản lượng sản xuất có xu hướng giảm so với tháng cùng kỳ.

Cụ thể, so với tháng trước, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7% nhưng giảm xấp xỉ 3% so với cùng kỳ năm 2021. Một số nhóm ngành có chỉ số giảm so với cùng thời điểm năm 2021 như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-19,4%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-24,5%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (-35,9)...

Doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng thiếu tác động lớn đến chỉ số sử dụng lao động khi một số ngành hàng không ký kết được hợp đồng, bị gián đoạn khâu cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất đã buộc doanh nghiệp phải áp dụng phương án cắt giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của đơn vị.

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động thì Trung ương cần có chính sách điều chỉnh linh hoạt thị trường tiền tệ ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thực tế hiện nay giá cả hàng nguyên liệu đầu vào trong nước vẫn ở mức cao, dẫn đến giá hàng xuất khẩu cao, khó cạnh tranh trên thị trường.

Ông Trần Văn Tỵ – Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, Ban quản lý đang đề nghị các doanh nghiệp báo cáo số liệu thống kê định kỳ, trong đó có số liệu về biến động lao động cũng như những khó khăn để trên cơ sở đó, Ban quản lý sẽ tham mưu, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành phối hợp đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn