MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nghe tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: Phương Ngân

Đổi mới phương thức tuyển dụng lao động

Phương Ngân LDO | 22/03/2024 09:10

Từ năm 2024, sàn tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM hướng tới kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động theo phương thức mới.

Kết nối doanh nghiệp và người lao động

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TPHCM, năm 2024 Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) thành phố phối hợp với 22 quận/huyện tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm với mục đích nâng cao hiệu quả của sàn giao dịch việc làm.

Ngày 15.3 vừa qua, Trung tâm DVVL thành phố đã tổ chức sàn giao dịch việc làm đầu tiên trong năm 2024 tại huyện Củ Chi và áp dụng phương thức mới.

Bà Thục cho biết, sàn giao dịch việc làm lần này không khai mạc rầm rộ như mọi khi, thay vào đó là hướng tới kết nối doanh nghiệp và người lao động, bằng cách sắp xếp để người lao động đến sàn giao dịch việc làm theo múi giờ, để tránh ùn ứ.

“Chúng tôi thông báo cho tất cả các xã bố trí người lao động đi theo múi giờ. Ví dụ: Từ 7h30 đến 8h00 là một xã, từ 8h đến 8h30 là xã khác… cứ luân phiên như vậy để người lao động đến lần lượt, không bị ùn ứ cũng như doanh nghiệp có thời gian để tư vấn cho người lao động một cách hiệu quả” - bà Thục cho hay.

Bên cạnh đó, các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc cũng được mời đến để giới thiệu việc làm.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Củ Chi cho hay, trên kết quả khảo sát về nhu cầu tìm việc làm ở các xã, thị trấn, Phòng LĐTBXH huyện đã liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động. Có 24 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển dụng hơn 2.500 người lao động.

“Ngoài kết nối người lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thông qua sàn giao dịch việc làm cũng giới thiệu cho người lao động tìm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, số lượng người lao động đăng ký xuất khẩu lao động rất nhiều, Phòng LĐTBXH đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các chính sách vay vốn cho người lao động có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động” - bà Tuyết nói.

Phấn khởi vì tìm được việc

Sau thời gian bị thất nghiệp, chị Bùi Thị Liên (ngụ huyện Củ Chi) cùng con gái đến sàn giao dịch việc làm tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, mong tìm được công việc phù hợp.

Gia đình chị Liên thuộc hộ cận nghèo, trước đây chị làm lao công tại một công ty tư nhân. Khi doanh nghiệp đóng cửa, chị Liên cũng thất nghiệp. Con chị Liên may gia công quần áo tại nhà, nhưng thời gian dài ít đơn hàng nên hai mẹ con chị Liên quyết định cùng đi xin việc. May mắn, cả hai mẹ con chị Liên đều xin được công việc phù hợp, làm việc gần nhà.

“Xin được việc mừng lắm. Làm công ty ổn định hơn ở ngoài và cũng có những chế độ chính sách, chăm lo” - chị Liên hồ hởi nói.

Là sinh viên năm cuối Trường Trung cấp nghề Củ Chi, em Phạm Đăng Khoa cũng mong tìm kiếm được cơ hội tại sàn giao dịch việc làm.

“Em được học các kiến thức cần thiết ở trường nhưng vẫn chưa được va chạm thực tế. Đến sàn giao dịch việc làm diễn ra ở Củ Chi em được tư vấn, giới thiệu về công việc cũng như các chính sách liên quan. Nếu được nhận vào thử việc em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành công việc được giao” - Khoa chia sẻ.

Ông Lê Văn Chỉnh - Công ty Cơ khí chế tạo Châu Phú (tỉnh Long An), chia sẻ, doanh nghiệp đã tuyển dụng được một số học viên ở các trường Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Tuy nhiên, về chuyên môn chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại, tùy theo kỹ năng và năng lực của các học viên được nhận doanh nghiệp sẽ bồi dưỡng để các em đáp ứng được công việc thực tế tại doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn