MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm thiếu rau xanh của gia đình nữ công nhân trong những ngày bão giá thực phẩm. Ảnh: Minh Phương

Đời sống công nhân sau đại dịch COVID-19: Thu nhập giảm, chi tiêu kham khổ

Ghi chép của Minh Phương LDO | 04/05/2022 06:14

Tiền lương, thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ) bị sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là dịch bệnh. Để có tiền trang trải, CNLĐ phải vay tiền, chi tiêu kham khổ và rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Thường xuyên những bữa ăn nghèo đạm  

Giữa trưa, chị Vũ Thị Linh - công nhân Cty TNHH Denso Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) - phóng vội xe máy ra chợ mua thức ăn để chuẩn bị bước vào ca 2. Hôm nay, chị ăn sang hơn mọi khi vì có chồng xuống thăm. Chị mua 3 lạng thịt; 10.000 đồng ngao nấu canh; rau và 3 thanh đậu phụ; 2 quả xoài. Với lượng thức ăn như vậy, chị Linh cho biết, tổng chi phí cho bữa ăn trưa là 65.000 đồng.

Những ngày không có “khách”, chị chỉ nấu nướng qua loa, thường bữa cơm có giá… 15.000 đồng; hoặc ăn lại đồ từ hôm qua. Lý do chính vì chị muốn tiết kiệm tiền từ các khoản ăn uống.

Nghe chúng tôi hỏi, món ăn đắt tiền nhất chị từng mua là gì, chị Linh nhanh nhảu: “Pizza. Tôi chi 90.000 đồng mua pizza. Khi ở một mình, tôi hay tiếc tiền, có chồng bên cạnh, thi thoảng anh vẫn mua thêm tôm cho tôi ăn”.

Ăn ngon là nhu cầu thiết yếu của con người, song với nhiều công nhân xa gia đình, thu nhập, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ không dám nghĩ tới việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. “Miễn sao thức ăn lấp đầy bụng đói” - chị Linh chia sẻ. 8 năm làm công nhân, từ 49kg, nay chị Linh chỉ nặng 42kg dù đã có 2 con.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan (công nhân một công ty về thiết bị vệ sinh ở KCN Thăng Long) nói, suốt 7 năm làm công nhân, bữa ăn ở công ty khiến chị…chán chường. Theo chị Lan, món ăn ở nhà máy rất nghèo nàn, lèo tèo. Thường khay cơm có 2 món chính, cộng thêm 2 món phụ gồm rau và trái cây tráng miệng.

“Sau 8 tiếng làm việc và 4 tiếng tăng ca, đến giờ ngồi xuống bàn ăn, cơm canh đều đã nguội ngắt. Có hôm nuốt không trôi nhưng tôi vẫn phải cố, vì ăn mới có sức làm việc tiếp” - chị Lan cho hay.

Chị Lan kể, ở công ty, có một số công nhân chăm chỉ hơn thì mang thêm thức ăn đến. Nếu đi làm ca đêm, công nhân sẽ có bữa ăn phụ gồm bún hoặc phở, nếu không ăn, công ty sẽ cho đổi lấy sữa hoặc bánh. Nhiều người nhịn ăn bữa phụ để lấy sữa về cho con.

“Được mấy ai, nhất là phụ nữ đi làm công nhân mà trông mập mạp, khoẻ khoắn. Ăn uống không đủ chất, thức ăn chỉ bó hẹp trong thịt, cá, đậu, rau. Thêm việc thường xuyên thức khuya tăng ca nên chúng tôi trông càng ngày càng héo mòn. Chưa kể sau giờ làm mệt mỏi ở công ty, nhiều người còn bỏ luôn bữa sáng để vội đi ngủ” - chị Lan nói.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn do phải ngưng việc, chị Nguyễn Thị Loan - công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) thở dài: Tháng 7-9.2021, cả 2 vợ chồng làm công nhân đều không có việc do yêu cầu phòng chống dịch. Nhiều bữa ăn, chị Loan và chồng phải ăn mì tôm thay cơm. Xin được thực phẩm từ địa phương hay nhóm thiện nguyện, chị cũng phải để dành cho các con. Gia đình 4 người thuê trọ ở gần khu công nghiệp, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội, chị Loan phải xin “khất” tiền phòng. Ngay cả tiền thuốc men cho con cũng phải vay mượn từ người nhà ở quê…

 23,2% CNLĐ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ sống

Dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động (CNLĐ) và gia đình họ.

Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy: Chỉ 5% CNLĐ được hỏi nói rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1-2 lần/tuần) và 34% thỉnh thoảng có 3 lần ăn thịt cá/tuần.

Khảo sát thực trạng đời sống 2.016 CNLĐ tại các doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháng 4.2022 cho thấy: 55,6% tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống; 23,2% CNLĐ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ sống và 13,2% thu nhập hiện nay không đủ sống mức cơ bản tối thiểu.

Nhiều người lao động cho biết, họ phải đi vay tiền để chi tiêu. 12,0% lao động thường xuyên (hằng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,5% người nói 3-4 tháng/lần phải đi vay tiền; 34,8% CNLĐ cho hay một năm 1-2 lần phải vay tiền.

Rất nhiều CNLĐ không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Hơn 1/5 số người được khảo sát (20,2%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội 1 lần (sau đó lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội).

Duy trì cuộc sống bằng các nguồn cứu trợ

TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) - cho biết: Năm 2021, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ 4, số lượng lao động bị ngừng việc do là F0, F1, F2, F3 hoặc buộc phải cách ly y tế do nằm trong vùng dịch lên đến hơn 2,3 triệu người.

Với việc thực hiện giãn cách xã hội từ 2 - 4 tháng theo Chỉ thị 16 và 16+ ở 19 tỉnh miền Nam và từ 1 - 2 tháng ở phía Bắc, số CNLĐ nghỉ việc hoàn toàn không có lương có thể lên đến hàng chục triệu người.

Theo công bố của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có đến 12,8 triệu lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 116 của Chính phủ ban hành ngày 24.9.2021. Một số ngành như giao thông vận tải hành khách, du lịch - dịch vụ gần như không có thu nhập. Nhiều lao động phải bán tài sản, phương tiện hành nghề để trả nợ nguồn vốn vay kinh doanh. Nhiều CNLĐ phải duy trì cuộc sống bằng các nguồn tiền cứu trợ và hàng nhu yếu phẩm thiện nguyện của nhà nước, công đoàn và các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn - thu nhập bình quân của CNLĐ quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

So sánh giữa biến động thu nhập của người lao động và biến động chỉ số giá tiêu dùng CPI các năm 2019, 2020, 2021 cho thấy, trong khi mức lương hầu như không tăng, thì chỉ số CPI tăng liên tục trong 3 năm, năm sau cao hơn năm trước. “CPI là thước đo của lạm phát. Khi CPI tăng, phản ánh giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt, người có thu nhập thấp. Mức tăng càng cao, đời sống người dân càng khó khăn” - ông Nhạc Phan Linh phân tích”.

Báo cáo kết quả tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với đời sống, việc làm của CNLĐ và tổ chức công đoàn” năm 2020, 2021 của Tổng LĐLĐVN do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện mới đây cho thấy:

* Khoảng 60% CNLĐ phải tiết kiệm triệt để các khoản chi.

* Về suy giảm số lượng, chất lượng bữa ăn và chế độ dinh dưỡng:

- Khoảng 50% CNLĐ phải giảm lượng thịt ăn thường ngày; nếu như năm 2020 chỉ 21% công nhân phải ăn nhiều mì tôm hơn thì năm 2021 con số này lên đến 40%.

- Năm 2020 chỉ 15% CNLĐ phải chọn việc ăn giảm bữa, gộp bữa thì năm 2021 tỉ lệ tăng lên 23,7%; thiếu lương thực, thực phẩm năm 2020 là 7,0%, còn năm 2021 là 17,5%; tích trữ nhiều đồ ăn do sợ thiếu hụt năm 2020 7,4%, năm 2021 là 39,9%. Minh  Hương

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn