MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ LĐLĐ tỉnh Nghệ An đón công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Ảnh: QĐ

Đối thoại tại nơi làm việc, chìa khóa tháo gỡ tranh chấp lao động

Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An  LDO | 17/02/2022 12:51

Đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp quan trọng tạo nên sự thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, xây dựng niềm tin, "chìa khóa" tháo gỡ ngòi nổ tranh chấp lao động.

Đối thoại tạo nên lợi ích lâu dài

Tại Công ty CP May Minh Trí (KCN Bắc Vinh-Nghệ An), việc đối thoại diễn ra hàng ngày vào đầu buổi sáng (từ 10-15 phút).  Người lao động có thể nhắn tin, điện thoại, email, Facebook, góp ý vào hòm thư cho lãnh đạo công ty bất kỳ lúc nào để các bên hiểu nhau, chia sẻ công việc nhanh nhất và giảm thời gian soạn thảo văn bản.

Nếu giám đốc bận thì cán bộ nhân sự và chủ tịch công đoàn sẽ gặp công nhân đối thoại. Gặp gỡ trực tiếp là giải pháp tốt nhất để công nhân kiến nghị lãnh đạo giải quyết quyền lợi của họ và lãnh đạo cũng triển khai các yêu cầu công việc.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu (Nghệ An) Phạm Đức Cường tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng công nhân lao động. Ảnh: QĐ

Ông Trương Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Minh Trí - nói: “Lợi ích lâu dài của đối thoại xã hội thể hiện rất rõ ở tác động của nó đến mọi vấn đề của doanh nghiệp từ chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, chống lãng phí, xây dựng văn hóa tự giác trong doanh nghiệp và quan trọng nữa là mọi bức xúc của người lao động được giải tỏa kịp thời; xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân thân thiện như một tổ ấm gia đình”.

Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An lựa chọn hình thức đối thoại hàng tuần với đại diện công đoàn cơ sở và đại diện các bộ phận sản xuất tại các cuộc họp giao ban và hàng năm hội nghị người lao động.

Tại hội nghị người lao động của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Bãi Lữ, người lao động đã có 14 ý kiến, trong đó có 8 ý kiến góp ý cho công ty phát triển, ví dụ như giải pháp chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa thực đơn ăn uống... và có 6 ý kiến về chế độ chính sách của người lao động. Đối thoại đem đến lợi ích cho cả hai bên và cùng nhau chung tay xây dựng doanh nghiệp.

Né tránh đối thoại, hậu quả khôn lường

Tuy nhiên, không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn hiểu sai lệch, thiếu thiện chí, thậm chí trốn tránh việc đối thoại. Họ cho rằng đối thoại làm mất thời gian, ảnh hưởng sản xuất, công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo qui định của luật. Việc thiếu đối thoại sẽ dẫn đến mâu thuẫn, người lao động thiếu gắn bó với doanh nghiệp, chuyển việc, ngừng việc tập thể.

Công nhân kiến nghị chủ yếu về tiền lương, cách tính lương, thái độ ứng xử, điều kiện, môi trường làm việc, thời gian tăng ca, tiền ăn ca, nội qui quá khắc nghiệt và các khoản phụ cấp... nhưng không có diễn đàn để trao đổi.

Vấn đề thường gây ra xung đột và mâu thuẫn trong các doanh nghiệp đó là xoay quanh lợi ích, còn về quyền lợi theo luật pháp là rất ít.  Năm 2015, cả nước xảy ra 245 cuộc ngừng việc. Tại Nghệ An trong 5 năm (2010 - 2015), các cuộc ngừng việc tập thể trái pháp luật có xu hướng tăng lên, đã có 22 cuộc ngừng việc tập thể diễn ra. Đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.

Do đó, người sử dụng lao động cần phải kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc đang tồn tại một cách chủ động. Đối thoại tại nơi làm việc để hai bên cùng trao đổi giải quyết các yêu cầu, là cơ hội để hiểu nhau, chia sẻ khó khăn của nhau, tạo ra sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Đối thoại tốt còn tạo động lực, khuyến khích người lao động đem kiến thức của mình đóng góp cho sản xuất, làm tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp hơn vì họ cảm thấy được tôn trọng. Họ biết rằng doanh nghiệp luôn quan tâm đến đời sống, nguyện vọng của họ.

Để thực hiện đối thoại tại nơi làm việc tốt cần có sự thiện chí của người sử dụng lao động trong việc tạo sự tôn trọng, bình đẳng, hợp tác giữa người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, việc đối thoại cần theo qui định luật pháp và linh hoạt, không nên áp dụng một mô hình cứng nhắc, mà phải căn cứ vào nhận thức và năng lực của hai bên trong nội bộ của doanh nghiệp.

Nội dung và hình thức được lựa chọn sao cho hai bên đối thoại có thể nói được hay diễn đạt được điều mình muốn đối thoại và để bên kia có thể nghe, hiểu được, làm được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn